Doanh nghiệp cần chính sách nhất quán, không nay đúng, mai sai, ngày kia lại đúng...

Điều các doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện nay chính là một chính sách, cơ chế nhất quán, không giật cục, siết chặt của cơ quan quản lý. Đó không phải là chính sách hôm nay đúng, mai sai, rồi có thể ngày kia lại đúng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin liên quan tới sức khỏe của doanh nghiệp, thị trường bất động sản; chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng, xu hướng, nhận định cho năm 2023; cũng như những khó khăn, thách thức và phương hướng, giải pháp... là các nội dung rất được quan tâm tại Diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 17/11.

Trong đó, nhiều điểm còn tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản; khó khăn về nguồn vốn dưới tác động "kép" của việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu và bản thân các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn... tiếp tục là vấn đề nóng được các chuyên gia đề cập.

Cần cơ chế đặc thù cho các dự án đang “nằm chờ” phê duyệt

Nhận định về tình tình chung của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng có nhiều khó khăn đang chồng chất.

Trước hết, nguồn cung của thị trường đã sụt giảm rõ rệt, trong 9 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào thị trường giao dịch, tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đã đạt mức thấp nhất so với trong thống kê từ 2015 đến nay.

Theo ông Đính, các cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang biểu lộ sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của đại chúng. Cụ thể là tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Giá bất động sản bị đánh giá cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Trong khi áp lực áp lực tăng giá đầu vào của phát triển bất động sản cũng đang rất mạnh.

Trong bối cảnh đó, thị trường còn gặp khó khăn lớn về nguồn vốn, từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản, chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, "đói" vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại Diễn đàn.

Phó chủ tịch VNREA cho rằng, thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp rất mạnh, trong khi chi phí tài chính, lãi suất lại đang tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là giảm bớt lực lượng lao động, phải giảm giá thành, chấp nhận bán cắt lỗ dự án.

Đáng lưu tâm, theo ông Đính, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản còn đến từ việc thủ tục pháp lý bị vướng, mâu thuẫn. Theo đó, hàng nghìn dự án trên cả nước gần như không được phê duyệt từ tục đầu tư; đặc biệt là việc phê duyệt giá đất, nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đang gặp rất nhiều vấn đề do các chính sách bộc lộ các dấu hiệu của sự lạc hậu, chồng chéo.

"Các giao dịch ở thị trường bất động sản đang rất thấp, rất yếu. Các doanh nghiệp gần như không có thanh khoản, doanh thu, nhiều hoạt động phải tạm dừng...; các doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao", ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

Cũng theo Phó chủ tịch VNREA, nếu không sớm có những điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô thì với các vấn đề của thị trường như hiện nay, với sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản hiện tại, bước vào năm 2023 thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều hơn nữa khó khăn, tạo ra rất nhiều hệ lụy với nền kinh tế.

Từ các điểm trên, đề cập đến giải pháp, ông Đính kiến nghị, trong thời gian chờ sửa đổi các luật, cơ quan hữu quan cần phải có những sự tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án đang “nằm chờ” phê duyệt.

"Chúng tôi mong muốn có những động thái cụ thể hơn để có những chính sách quyết liệt giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay", ông Đính nói và bày tỏ tin tưởng rằng Chính phủ cũng đang có những động thái rất quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra, trong các đề xuất, Phó chủ tịch VNREA cũng kiến nghị về việc có chính sách tín dụng đặc biệt với các dự án bất động sản cấp thiết cho xã hội; các dự án để khuyến khích các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đại chúng như nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp...

Điêu các doanh nghiệp cần nhất hiện nay chính là chính sách, cơ chế nhất quán
Toàn cảnh diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng".

Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay

Liên quan sát sườn tới thị trường bất động sản, thị trường vốn, trong đó có ngành ngân hàng được chuyên gia nhận định sẽ đối diện với nhiều thách thức lớn trong năm 2023.

Và trong các giải pháp, điều các doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện nay chính là một chính sách, cơ chế nhất quán, không giật cục, siết chặt của cơ quan quản lý. Đó không phải là chính sách hôm nay đúng, mai sai, rồi có thể ngày kia lại đúng...

Đây cũng chính là kiến nghị được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nêu lên tại Diễn đàn "Kinh tế 2023...".

Với ngành ngân hàng, ông Hùng dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do lạm phát, giá cả có xu hướng leo thang... tác động lớn tới đời sống người dân, làm chậm lại quá trình phục hồi và tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư.

Trong đó, việc mặt bằng lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Khi mà kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lại phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung dài hạn sẽ tạo nên áp lực lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng trong việc vừa đáp ứng nhu cầu vốn, vừa đảm bảo độ an toàn.

Tổng thư ký VNBA đặc biệt lưu ý việc hiện nay ngân hàng đang phải "gánh" thêm vai của thị trường vốn trong nền kinh tế. Bởi theo thông lệ, ngân hàng thường chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn. Còn doanh nghiệp muốn huy động nguồn vốn trung, dài hạn thì tìm kiếm ở thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu...).

Do đó, dẫn đến hậu quả là cả doanh nghiệp và ngân hàng đều mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trả trước tiền trái phiếu chưa đến hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại Diễn đàn.

Theo ông Hùng, việc phải trả trước cả trái phiếu chưa đến hạn buộc doanh nghiệp phải huy động tiền bằng nhiều cách; lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, vay cả vốn vay ngân hàng để trả nợ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới đề xuất ngân hàng tăng room để bổ sung vốn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế là khi mà dư nợ tín dụng đã gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động vốn lại chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng thì dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các ngân hàng thương mại cũng khó có đủ vốn để cho vay.

Cụ thể, dư nợ tín dụng của nền kinh tế tới thời điểm hiện nay đã đạt khoảng 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11%; trong khi đó tốc độ tăng trưởng nguồn vốn mới chỉ đạt 4,8%. "Vậy thì lấy đâu nguồn để cho vay tiếp mà cứ đề cập nới room thêm 2% hay 4% nữa khi tốc độ tăng trưởng nguồn vốn mới chỉ bằng một nửa...", ông Hùng nói.

Thêm vào đó, hiện nay các ngân hàng cũng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đã cho vay gần hết nên buộc phải ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động.

Một điểm lưu ý khác, ông Hùng cũng bày tỏ lo ngại nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao, nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu.

Đồng thời, công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng lại gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ở diễn biến liên quan, cũng trong ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng. Trong hai Tổ phó đại diện của Ngân hàng Nhà nước là ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc.

Đặc biệt, tại Quyết định, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu... để kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE