Doanh nghiệp xuất khẩu trước một rào cản không thể đảo ngược

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đứng trước một rào cản không thể đảo ngược tại châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu.

Từ năm 2021, Việt Nam đã bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết đưa phát thải ròng về 0.

Tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, diễn ra ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận: bên cạnh những thách thức, việc thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Xu thế không thể đảo ngược

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng; ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả của COP26.

Thứ trưởng cho biết, tại châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan được xây dựng để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử cacbon đối với sản xuất trong nước.

Thực tiễn này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế.

“Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.

Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.

“Việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Do đó, phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó” ông Phạm Văn Tấn nhấn mạnh.

Nắm bắt cơ hội

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT, Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn.

“Các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Đồng thời, cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính”, ông Tấn lưu ý.

Tuy nhiên, để thực hiện hóa được cơ hội, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, các doanh nghiệp phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước đề xuất, cần có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Ngoài ra, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh…

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Lễ khởi công Nhà máy chế tác nữ trang trị giá 150 triệu USD tại tỉnh Bình Dương

Pandora - thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam

Pandora - thương hiệu trang sức lớn trên thế giới vừa tổ chức lễ khởi công Nhà máy chế tác nữ trang trị giá 150 triệu USD tại tỉnh Bình Dương. Đầu năm 2026, nhà máy sẽ đi vào hoạt động với công suất 60 triệu món đồ trang sức mỗi năm, hỗ trợ sự phát triển lâu dài cũng như gia tăng năng lực sản xuất của công ty lên khoảng 50%.

Chat với BizLIVE