HVN trước nguy cơ bị huỷ niêm yết, Chủ tịch Vietnam Airlines lại đề cập đến một doanh nghiệp khác đã xin bảo hộ phá sản

Đến hết quý 1/2023, lỗ luỹ kế của Vietnam Airlines ở mức hơn 34.300 tỷ đồng. Nếu báo cáo kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HoSE đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết HVN.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (VNA, mã HVN), cho biết 6 tháng đầu năm, thị trường hàng không nội địa cơ bản phục hồi tốt, vượt 8% so với trước dịch năm 2019.

Tuy nhiên, thị trường quốc tế chỉ phục hồi khoảng 60% so với trước dịch, thậm chí một thị trường lớn như Trung Quốc lượng khách đến Việt Nam mới chỉ phục hồi 9%.

Riêng Vietnam Airlines dù cơ bản đã phục hồi cả mảng đường bay nội địa và quốc tế, song theo ông Hoà, 6 tháng cuối năm còn rất nhiều khó khăn.

Trong đó, mâu thuẫn địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi trước dịch, trong khi nhiên liệu chiếm 60% chi phí hàng không.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục phát huy vai trò điều tiết vĩ mô với hàng không qua việc điều tiết tải cung ứng, tránh quá tải sân bay. Đồng thời, sớm có chính sách điều tiết giá trần.

“Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không rất khó khăn. Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản”, ông Hòa thông tin.

Cũng tại hội nghị, ông Hoà kiến nghị hỗ trợ hãng này khi đấu thầu một số hạng mục tại sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, đề xuất có các chính sách hỗ trợ ngành hàng không đến hết năm 2024 là thời điểm phục hồi của ngành, trong đó có chính sách cấp slot đường bay quốc tế “có đi có lại” giữa các quốc gia. Lý do, nhiều nước hiện tại cấp slot cho các hãng nước ngoài rất hạn chế, đơn cử như VNA trong dịch Covid-19 đã dừng bay đến London (Anh), tới nay đã mất hết slot sân bay tại đây.

Trước đó, Bamboo Airways đã công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán với kết quả doanh thu thuần hơn 11.700 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Tuy nhiên, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ sau thuế kỷ lục kể từ khi hoạt động với hơn 17.600 tỷ đồng do các khoản như chi phí tài chính, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh từ mức 158 tỷ đồng lên 12.749 tỷ đồng, tăng 80,6 lần.

Trong khi ghi nhận khoản thua lỗ khủng lên đến 17.600 tỷ, Bamboo Airways chủ động công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán, hãng hàng không Vietnam Airlines (mã HVN) lại có động thái trái ngược khi nhiều lần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi văn bản yêu cầu công bố thông tin, thậm chí cổ phiếu đã chuyển sang diện kiểm soát, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 theo quy định.

Trong báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 10.369 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 âm hơn 10.199 tỷ đồng.

Nếu BCTC kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Quý 1/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 23.494 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế - 104 tỷ đồng. Đến hết quý 1/2023, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines ở mức 34.303 tỷ đồng.

Từ ngày mai (12/7), HOSE sẽ chuyển hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch. Theo đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HVN chỉ có thể giao dịch trong phiên chiều.

Theo Lao Động và Công Đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE