Khu vực doanh nghiệp đông về số lượng nhưng tiềm lực không mạnh

Khu vực doanh nghiệp tuy đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế..., dẫn tới dễ bị tổn thương trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là nhận định về "sức khỏe" của khu vực doanh nghiệp được ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng" vào chiều 17/11.

Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được sức hồi phục mạnh mẽ. Sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 đã được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận.

Theo ông Phòng, để có được sự phát triển như vậy không thể không nhắc đến sức đóng góp và sự sáng tạo không biết mệt mỏi của doanh nghiệp. Tuy vậy, những sai phạm của một bộ phận nhỏ doanh nghiệp vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế của khu vực này.

"Dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế”, Phó chủ tịch VCCI nói.

Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi đó, có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp lại phải tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.

“Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước”, ông Hoàng Quang Phòng nhìn nhận.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI tại Diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng".

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI tại Diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng".

Cần Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ

Theo Phó chủ tịch VCCI, mới đây, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Ông Phòng cho biết, mục tiêu của VCCI là kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP.

Bởi hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Mục tiêu là cần "có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn ở lĩnh vực dịch vụ", ông Phòng nhấn mạnh.

Thêm vào đó, VCCI nhấn mạnh sự phát triển của doanh nghiệp cần phải đi theo hướng phát triển bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.

Và để đáp ứng được mục tiêu này, theo VCCI, đến năm 2025, tỷ lệ lao động có kỹ năng cần phải tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.

Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn, thách thức như hiện này, các doanh nghiệp Việt càng cần phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển.

Thông qua Diễn đàn, Phó chủ tịch VCCI kỳ vọng, các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ thẳng thắn trao đổi để đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong bối cảnh năm 2023 và những năm tiếp theo.

Toàn cảnh Diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng". Ảnh Tuấn Việt

Toàn cảnh Diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng". Ảnh Tuấn Việt

"Sắp tới đây sẽ có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra"

"Khó khăn sắp tới" chính là vấn đề được ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đề cập và gợi mở trong phần phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Long, sắp tới đây sẽ có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra, trong đó đặc biệt là những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Bởi đã có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng.

Cùng với đó, những sự cố trên thị trường chứng khoán xảy ra liên tục, chưa bao giờ thị trường biến động xuống thấp như hiện nay, nhưng lại có lúc trồi lên rất cao, thể hiện sự chưa ổn định, cho thấy yêu cầu cấp thiết cần sớm ổn định thị trường.

Ngoài ra, ông Long cho biết, liên quan đến sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may chia sẻ vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023, hay một số ngành nghề khác cũng đang thiếu vắng đơn hàng.

"Nguyên nhân để xảy ra những vấn đề này bao gồm cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, ảnh hưởng từ các thị trường lớn như Anh, Mỹ, Pháp, Đức cũng gặp khó khăn. Đây là vấn đề về kinh tế toàn cầu nên Việt Nam không thể nằm ngoài", ông Long nói.

Vị đại diện từ Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trích dẫn câu nói "cùng thì biến, biến thì hanh thông” - với lý giải, liên tưởng là trong khó khăn sẽ bật ra những doanh nghiệp mới, còn những doanh nghiệp không đủ sức chống chọi, không bật lên được sẽ vô cùng nguy hiểm...

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua

Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam đã cung cấp thông tin đáng chú ý về sự thay đổi lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong 10 năm qua.

Theo đó, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong hơn một thập kỷ đã tăng hơn 35 lần, từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021. Trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đóng góp vô cùng lớn với khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010 tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2021.

"Tổng nguồn vốn khu vực tư nhân đã tăng mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, cho thấy sự lớn mạnh về nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân", ông Lê Duy Bình khẳng định.

Cụ thể, ở giai đoạn 2017-2021, trong khi tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm từ 18,7% còn 7,2% thì khu vực tư nhân vẫn tăng mạnh trong giai đoạn dịch, với sự hỗ trợ tích cực bởi lĩnh vực chứng khoán.

Tỷ trọng cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cũng đã tăng trưởng từ 38% năm 2011-2015 lên gần 60% năm 2021 cho thấy nguồn lực của nền kinh tế phân bổ lớn cho khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn này.

Như trên, hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) trong giai đoạn 2010-2021 cho thấy, nếu năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 01 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 01 đồng GDP; cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn rất nhiều khu vực nhà nước.

Tuy nhiên, từ số liệu thống kê, ông Bình cho biết, lịch sử trên đã bị "đảo ngược trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Cụ thể là: "khi mà khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 01 đồng GDP thì khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng", Giám đốc điều hành Economica Vietnam nêu lên thực trạng.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh Tuấn Việt

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh Tuấn Việt

Thêm một điểm chú ý, trong 2 năm vừa qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn rất lớn nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại liên tục giảm, sự đóng góp của TFP vào GDP cũng giảm theo. Ông Bình đặc biệt lưu ý và xem đây là điều cần phải đảo ngược, thay đổi để giúp doanh nghiệp “vượt sóng”.

Ông Lê Duy Bình cũng lý giải, hệ số ICOR xấu đi của đầu tư tư nhân trong hai năm vừa qua cũng có phần tác động của đại dịch COVID-19, của quy luật hiệu quả lợi nhuận cận biên giảm dần, hay điểm tới hạn của mô hình dựa chủ yếu vào đóng góp của yếu tố đầu vào là vốn mà không chú trọng tới các yếu tố khác.

Kết lại phần chia sẻ, vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh: "Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua rồi. Sự suy giảm của hệ số ICOR đầu tư tư nhân trong vừa qua có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua".

Vì vậy, theo Giám đốc điều hành Economica Vietnam, khu vực kinh tế tư nhân cần phải tìm kiếm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trường như công nghệ và nguồn nhân lực...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE