[Cổ phiếu nổi bật]

Mất hơn 2% tuần qua, BID có thể trở thành 'tội đồ' của thị trường?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất chuỗi 4 tuần tăng giá liên tiếp trong đó BID là một trong những tác nhân chính. Liệu kịch bản tuột dốc khỏi khu vực 43.000 đồng/cổ phiếu của BID có thể xảy ra, góp phần đẩy nhanh sự điều chỉnh của thị trường?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một trong những nhân tố làm đứt đoạn chuỗi tăng điểm của thị trường

VN-Index tuần vừa qua đã mất 0,81% qua đó bị cắt đứt chuỗi 4 tuần tăng điểm trước đó. Có nhiều nguyên nhân về tâm lý và dòng tiền tác động tới thị trường nhưng về mặt điểm số, luôn có các mã Bluechips khiến thị trường bị thiệt hại.

Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là một trong những mã giảm khá sâu và tác động mạnh tới VN-Index. Cụ thể, BID đã giảm 2,14% xuống 43.350 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là vùng giá gần sát ngưỡng hỗ trợ mạnh là vùng giá 43.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu xuyên thủng vùng hỗ trợ này, BID hoàn toàn có thể tác động tiêu cực tới thị trường chung bởi vị thế vốn hóa vẫn đang trong top 3 của HOSE.

Tuy nhiên, vùng giá từ 43.000-47.000 đồng/cổ phiếu đang là những vùng hỗ trợ và kháng cự mạnh trong một 'Hộp Darvas'.

BID đang trong 'Hộp Darvas' từ đầu năm 2023
BID đang trong 'Hộp Darvas' từ đầu năm 2023

Gần như trong 6 tháng qua, BID đều chưa thể thoát khỏi chiếc hộp này nên sẽ cần phải xuất hiện sự kiện mang tính đột biến để kích hoạt phe bán "xả hàng" hoặc người mua "đánh thốc". Nếu không, vận động tích lũy của BID sẽ vẫn tiếp diễn trong khu vực kể trên.

Tăng trưởng tín dụng đi ngang đã là thành công

Trong quý 1/2023, thu nhập lãi thuần của BID tăng 8,7% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng 12,4% so với cùng kỳ và 4,9% so với đầu năm.

Hiện BIDV là ngân hàng duy nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh có sự cải thiện về tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ, đồng thời cao hơn mức 2,8% tăng trưởng tín dụng trung bình của toàn ngành trong quý 1/2023.

Trong khi đó, NIM giảm 0,25 điểm % do chi phí huy động tăng mạnh. Thu nhập ngoài lãi giảm 1,7% chủ yếu do thu nhập từ hoạt động khác giảm 33% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước dự phòng tăng 4,6% so với cùng kỳ nhưng chi phí dự phòng giảm mạnh (-25,2%) giúp lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 tăng 53,3% đạt 6,920 tỷ đồng.

CTCK MBS dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của BID đạt mức 12%, đi ngang so với các năm trước (2022: 12,14%, 2021: 11,23%).

Với xu hướng giảm lãi suất thời gian gần đây, MBS dự báo NIM những quý cuối năm có thể cải thiện so với quý 1/2023 (2,67%), cả năm đạt mức 2,94%.

Chất lượng tài sản vẫn là bệ đỡ cho BID với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp so với trung bình ngành. Tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ bao nợ xấu cuối năm 2023 có thể lần lượt là 1,41%/184%.

MBS dự báo tổng lợi nhuận hoạt động tăng trưởng lần lượt 12,9%/9,8% cho năm 2023/2024 trong khi đó chi phí dự phòng tăng nhẹ trong 2023 (+4%) và giảm 9% năm 2024. Ở mức này, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BID vẫn ở mức 183% vào cuối năm 2024, ngưỡng an toàn theo quan điểm của MBS.

MBS dự phóng lợi nhuận trước thuế 2023-2024 tăng trưởng ở mức 28%-31% nhờ chủ yếu vào trích lập dự phòng hạ nhiệt sau giai đoạn trích lập cao 2021- 2022.

Theo Lao động & Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE