Moody's dự báo kinh tế Nga gặp khó khăn do xuất khẩu giảm sút

Theo dự báo trung hạn về kinh tế Nga của cơ quan xếp hạng quốc tế Moody’s, GDP của Nga sẽ giảm 3% trong năm 2023 giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây ngày càng gay gắt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một trạm trung chuyển khí đốt ở Boyarka gần Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Một trạm trung chuyển khí đốt ở Boyarka gần Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Moody's cho rằng để ổn định kinh tế, Chính phủ Nga sẽ sử dụng "chính sách tài chính phi chính thống", cụ thể là tài trợ tiền tệ cho ngân sách (tiền tệ hóa nợ, khi Ngân hàng Trung ương Nga trực tiếp tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước). Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của Moody's, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát và ổn định tài chính vĩ mô.

Báo cáo của Moody's lưu ý dự báo ban đầu rằng kinh tế Nga sụt giảm 7% trong năm 2022 đã không thành hiện thực. Tuy nhiên, “suy thoái kinh tế ở Nga sẽ ngày càng sâu sắc” dưới tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu của Nga.

Do xuất khẩu giảm, cán cân thanh toán thặng dư sẽ xấu đi, khiến đồng ruble suy yếu. Báo cáo cho biết, các biện pháp trừng phạt và cắt đứt quan hệ kinh tế của các nước phương Tây sẽ tác động tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn của kinh tế Nga.

Theo dự báo của Moody's, việc áp giá trần đối với dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp đặt sẽ dẫn đến sự suy giảm khả năng tiếp cận ngoại tệ của nước này trong tương lai. Nếu mức giảm sản lượng dầu vượt quá 5% (500.000 thùng/ngày) do Chính phủ Nga công bố, GDP của Nga có thể thấp hơn nhiều so với dự báo cơ sở của Moody’s.

Moody’s dự kiến thặng dư tài khoản vãng lai của Nga sẽ giảm từ mức 10,4% GDP (227 tỷ USD) của năm 2022 xuống còn 6% GDP trong năm 2023. “Có bằng chứng cho thấy Nga đã có thể thay thế một số hàng hóa bị trừng phạt, kể cả việc phát triển các sản phẩm thay thế trong nước. Tuy nhiên, rất có thể, điều này đạt được với cái giá phải trả là tăng chi phí và giảm chất lượng”, Moody's cho biết trong báo cáo.

Đồng ruble của Nga tại Moskva. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng ruble của Nga tại Moskva. Ảnh: THX/TTXVN

Dựa trên phân tích dữ liệu của hải quan Trung Quốc và cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, Moody's ước tính rằng Trung Quốc đã phần nào thay thế Nga để xuất khẩu hàng hóa sang EU. Cơ quan này chưa tính đến gói trừng phạt thứ 10 của EU là áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu từ EU sang Nga với số tiền trị giá 11,4 tỷ euro. Moody's lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước thuộc Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (CIS) đang đóng vai trò là cơ sở tái xuất hàng hóa của phương Tây, kể cả của châu Âu, sang Nga.

Theo Moody's, thâm hụt ngân sách liên bang Nga trong năm 2023 sẽ là 3,5% GDP. “Mặc dù nguồn thu giảm, chính phủ có kế hoạch tăng chi tiêu, chủ yếu cho an ninh quốc phòng. Việc cắt giảm chi tiêu khác, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, sẽ làm trầm trọng thêm tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với tăng trưởng tiềm tàng”, báo cáo viết.

“Chúng tôi ước tính rằng với giá dầu Urals ở mức 50 USD/ thùng, phần thanh khoản của Quỹ tài sản quốc gia (NWF) sẽ cạn kiệt vào năm 2027 nếu thâm hụt được bù đắp hoàn toàn bằng dự trữ”, Moody's lưu ý.

Moody's ước tính rằng về lâu dài, sự phụ thuộc của ngân sách Nga vào lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng lên. “Các ngân hàng có nguồn lực đáng kể để cấp vốn bổ sung cho chính phủ, vì chỉ 9,6% tài sản của họ là nợ công”. Đồng thời, việc vay nợ lớn từ các tổ chức tín dụng sẽ dẫn đến tăng “gánh nặng lãi vay của nhà nước”.

Theo ước tính hồi tháng 9/2022 của Bộ Phát triển Kinh tế, GDP năm 2023 của Nga sẽ giảm 0,8%. Vào tháng Một, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố kết quả khảo sát, trong đó các nhà phân tích dự đoán GDP sẽ giảm 1,5% trong năm 2023.Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE