Một giải pháp chuyển hóa để gỡ khó trái phiếu doanh nghiệp?

Ít nhất thì đây là một ý tưởng giải pháp cụ thể, có tính kỹ thuật để xem xét tính khả thi, góp phần gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro trên các thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giải pháp này được hình dung: Hệ thống ngân hàng tham gia hỗ trợ, bốc những chiếc xe bị tai nạn để sang một bên, con đường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và các dòng tiền luân chuyển thay vì tắc nghẽn đầy rủi ro như hiện nay.

Đúng ra đó là ý tưởng, được một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ đưa ra. Ông cũng là người đã trực tiếp hóa giải những rủi ro lớn của nền kinh tế trong giai đoạn trước đây.

Chỉ tiếc rằng ý tưởng đó được chia sẻ trong một cuộc gặp đầu xuân Quý Mão 2023 vừa qua, chứ không hẳn đặt lên bàn hoặc thành tham luận như tại loạt hội nghị tìm giải pháp hiện nay.

Vấn đề hiện nay như một câu chuyện đời thường. Dòng xe đang luân chuyển, thậm chí với tốc độ cao, trên con đường chưa thực sự rộng và bằng phẳng. Tai nạn xẩy ra, rồi tiềm ẩn tai nạn liên hoàn. Con đường kẹt cứng. Hành khách, hàng hóa “đóng băng”; rủi ro thương vong, cháy nổ…; và nhiều hệ lụy.

Thị trường TPDN Việt Nam vừa qua và hiện nay giống câu chuyện đó, thậm chí nguy cơ chao đảo ở những tập đoàn, công ty bất động sản lớn.

Đã có nhiều họp bàn, nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu tập trung ở tháo gỡ về pháp lý, đề xuất tăng room tín dụng (dù nguồn tiền và năng lực để cho vay còn cần phải nhìn tới), hạ lãi suất… Song hiện chưa thực sự có một giải pháp có tầm nào được thống nhất để dứt điểm. Trong khi đó, tình thế của nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang nắm TPDN ngày càng bất an.

Vị chuyên gia trên cho rằng, cuối cùng thì vẫn phải dựa vào chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng thương mại. “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Nhiều nhà băng đã thu hoa hồng, phí dịch vụ và trực tiếp làm đại lý phân phối TPDN trước đó thì nay có trách nhiệm xắn tay cùng xử lý, cũng hợp lý, hợp tình.

Doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn có một phần do bất thường, đột ngột. Dòng tiền đang luân chuyển theo kế hoạch, theo dự án để cân đối thì bị phanh gấp bởi nhà đầu tư TPDN rút trước hạn, buộc phải mua trước hạn; cùng đó, vòng quay vốn mới để cuốn chiếu, gối đầu cũng bị phanh gấp bởi kênh huy động, vay vốn cũng gần như đứng hình.

“Vậy thì, các ngân hàng đã làm đại lý phát hành trước đây, hoặc có bảo lãnh, liên kết dịch vụ… hãy gọi doanh nghiệp phát hành lên, xem họ có những tài sản gì đảm bảo thế chấp được, nhận lấy và chuyển phần TPDN đã phát hành thành khoản vay. Chiều ngược lại, ngân hàng gọi nhà đầu tư đang nắm TPDN đối ứng đó lên, thỏa thuận chuyển phần vốn đã đầu tư vào TPDN đó đang ráo riết thu về thành tiền gửi để lại ngân hàng”, vị chuyên gia trên đặt vấn đề.

Ý tưởng này “khớp lệnh” hai bên: doanh nghiệp phát hành không phải tìm, dồn nguồn để xuất tiền tươi cho thanh toán TPDN, đặc biệt là áp lực bị rút trước hạn và khi các vòng quay vốn mới đứng hình, mà qua đó rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động; nhà đầu tư cá nhân cũng chuyển được phần vốn kẹt ở TPDN thành khoản tiền gửi ở ngân hàng, lại có được lãi suất, tiền cũng không bị họ rút ra khỏi vòng quay.

Trước hết, khó khăn, áp lực và rủi ro ngắn hạn đối với hai đối tượng trên tạm thời được hóa giải. Bản thân ngân hàng cũng không phát sinh thêm nguồn vốn nào, mà qua nghiệp vụ và bút toán cân đối hai chiều thành tiền gửi và khoản vay nói trên.

Dĩ nhiên cấu phần tăng trưởng tín dụng bị thay đổi, nhưng nguồn tiền trong những dòng chảy này cơ bản không phát sinh thêm hoặc hụt đi để hạn chế vấn đề liên quan như số nhân tạo tiền, rồi với lạm phát…

Thứ nữa, doanh nghiệp phát hành không bị rút đi nguồn vốn trong cân đối; áp lực đã được chuyển thành khoản vay mới để họ có thời gian xử lý lại hoạt động sản xuất, bán hàng (cả giải pháp hạ giá sản phẩm để bán được), từng bước khắc phục khó khăn để có nguồn tiền mới trả nợ ngân hàng (TPDN) thay vì gục ngã nếu phải trả ngay hoặc bị buộc phải mua lại trước hạn.

Tiếp theo, nhà đầu tư TPDN không bị rủi ro mất vốn như quan ngại hiện nay. Vốn của họ trở thành tiền gửi tại ngân hàng và cũng không bị rút ra khỏi các dòng chảy. Đặc biệt, lợi ích và tâm lý nhà đầu tư qua đó được ổn định, tránh những xáo trộn trên thị trường và trong xã hội.

Tựu chung, “khớp lệnh” các vấn đề của hai phía đối tượng nói trên, rủi ro trên các thị trường được giảm thiểu, qua đó cũng giảm thiểu những tác động bất lợi đối với ổn định vĩ mô - điểm mà nếu xẩy ra xáo trộn thì chi phí phải trả còn mở rộng và tốn kém hơn nhiều.

Vấn đề là như vậy tín dụng bất động sản trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên, hạn mức tín dụng liên quan giảm đi… Song, ý tưởng trên được xem như một sự “cơi nới” nhất định trên bảng cân đối của các ngân hàng, về cơ bản không làm tăng thêm nguồn vốn, không làm thay đổi nguồn tiền trong nền kinh tế; nó chỉ góp phần hài hòa lại và giảm thiểu các xung đột bất lợi.

Cũng như trước đây, giải pháp lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng gần như với “tay trắng”, cũng không cấp thêm cho các ngân hàng hay doanh nghiệp có nợ xấu đồng nào, VAMC cũng không chi đồng nào, nhưng đã trở thành mấu chốt cho sự hóa giải qua kênh gọi là trái phiếu đặc biệt được ghi nhận trên sổ sách.

Bằng VAMC, lượng lớn nợ xấu được bốc qua một bên để từng bước xử lý. Không phải che khuất đi, mà sau đó các ngân hàng từng bước xử lý gọn phần tạm bốc đi đó. Gánh nặng nợ xấu lên tới trên 17% nếu bắt vác ngay cùng lúc thì có thể sụp đổ, nhưng san ra vác nhiều lần trong thời hạn cho phép thì dần bốc hẳn được.

Đến cuối năm 2020, hơn 20 ngân hàng đã xử gọn nợ bên VAMC, thậm chí nợ thuần nhất trên bảng cân đối nhiều thành viên chỉ còn quanh 1%; và họ lần lượt phục hồi nhanh chóng để củng cố các nền tảng tài chính, để trở lại thúc đẩy nền kinh tế tốt hơn trước…

Ý tưởng về giải pháp chuyển hóa TPDN thành khoản vay và tiền gửi đối ứng tại ngân hàng nói trên cũng có nét tương đồng như giải pháp VAMC vậy. Nó dĩ nhiên có sàng lọc, có mức độ, gắn với những doanh nghiệp có tài sản tốt, có phương án phục hồi dòng tiền khả thi nhưng do gặp khó khăn bất thường, đột ngột như đề cập ở trên mà có thể rơi vào rủi ro đột quỵ.

Có sàng lọc, có mức độ, nhưng giải pháp trên nếu triển khai sẽ góp phần quan trọng vào tháo gỡ khó khăn chung, vấn đề chung trên các thị trường hiện nay, đặc biệt với thị trường bất động sản. Và ít nhất nó mang tính cụ thể, có kỹ thuật và nghiệp vụ thực tế để xem xét tính khả thi thay vì nhiều giải pháp, đề xuất, kỳ vọng hiện vẫn còn khá mông lung trong khi các rủi ro thì không tự dừng lại để nán đợi.

Theo Lao động và Công đoàn

Đọc tiếp

Các cổ phiếu Ngân hàng đã phá kỷ lục giá giờ ra sao?

Các cổ phiếu Ngân hàng đã phá kỷ lục giá giờ ra sao?

Nhóm Ngân hàng đã có 7 mã phá kỷ lục giá và 1 mã "suýt" lập kỷ lục trong 4 tháng đầu năm 2024. Sau nhịp giảm khá sâu vừa qua, việc xem xét tình trạng của các cổ phiếu này cũng như cả nhóm ngành sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn khách quan hơn về khả năng tạo đáy của thị trường sau kỳ nghỉ lễ.

Chat với BizLIVE