Mức độ sử dụng tăng nhanh, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế rượu bia và thuốc lá

Bộ Tài chính đánh giá mức thuế suất đối với rượu bia, thuốc lá ở Việt Nam còn thấp, lại là sản phẩm nguy hại trong khi tình hình sử dụng ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa có tờ trình, văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương góp ý về việc đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia... để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Với mặt hàng bia rượu, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng này đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 50% đã được áp dụng từ năm 2013.

Tuy nhiên, tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức cao nhất Đông Nam Á và có xu hướng tăng nhanh. Chỉ tính riêng năm 2013, lượng bia tiêu thụ là 3 tỷ lít, tính bình quân đầu người là 32 lít/người. Tới năm 2017, lượng bia tiêu thụ đã tăng lên 4 tỷ lít, năm 2020 là 4,2 tỷ lít.

Tại Việt Nam, rượu bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình…

Trong khi đó, mức thuế suất đối với rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo Bộ Tài chính. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mức thuế suất này mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ. Còn ở nhiều nước, tỷ lệ này chiếm từ 40-85%.

Vì vậy, nhằm giảm tiêu thụ rượu bia và hạn chế lạm dụng, thời gian tới, Bộ Tài chính cho rằng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Thuốc lá điện tử vào "tầm ngắm"

Với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính lên phương án áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối với mặt hàng này; trong đó có cả thuốc lá điện tử. Bởi trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… nhưng chưa được kiểm soát.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống.

Do đó, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Tổ chức này đã khuyến nghị các nước cấm thuốc lá điện tử hoặc áp dụng chính sách thuế để kiểm soát thuốc lá điện tử như đối với thuốc lá thông thường.

Từ năm 2019, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75% nhưng lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn ở mức cao và liên tục gia tăng.

Bộ Tài chính cho rằng giá bán thuốc lá của Việt Nam hiện vẫn còn thấp khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm chưa tới 40%. Trong khi tỷ lệ này ở các nước từ 50-80% (Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Pháp 80%...).

Trước đó, ngày 23/4/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó, xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, bia rượu.

Theo đó, việc xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế...

Đồng thời, thực hiện rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75%; rượu từ 35 - 65%; bia là 65% (theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, sửa đổi 2014).

Theo Lao động và Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE