Ngành dừa sẽ vượt mốc xuất khẩu vượt 1 tỷ USD vào năm sau nữa

Cộng đồng Dừa Quốc tế dự báo, đến năm 2025, nhu cầu các sản phẩm từ dừa trên thị trường toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngành dừa hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD vào năm 2025
Ngành dừa hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD vào năm 2025

Đà tăng trưởng này sẽ là tạo điều kiện thuận lợi để ngành dừa Việt Nam đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.

Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA) cho biết, trong nước hiện có gần 90 sản phẩm từ cây dừa đã được đưa ra thị trường, trong đó có những mặt hàng có giá trị kinh tế cao như tinh dầu dừa phục vụ cho các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

Ngoài ra, có gần 200 sản phẩm thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ dừa đang có mặt trên thị trường.

Nhu cầu tiêu dùng xanh thúc đẩy ngành dừa tăng trưởng

Theo VCA, ngành dừa sẽ duy trì năng lực chế biến, xuất khẩu và đưa kim ngạch đạt khoảng 940-950 triệu USD trong năm 2023. Với đà tăng trưởng hiện nay trên thị trường nội địa và toàn cầu, VCA dự kiến trong vòng 2 năm tới, chắc chắn ngành dừa sẽ vượt mốc 1 tỷ USD xuất khẩu.

Bà Bùi Hoàng Yến, đại diện Cục Xúc tiến thương mại phía Nam (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay diện tích dừa cả nước đạt khoảng 188.000 ha, sản lượng khoảng 1,9 triệu tấn trái, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và sản phẩm liên quan đến dừa trong năm 2022 hơn 900 triệu USD. Trong khi đó, mức tăng về nhu cầu các sản phẩm dừa toàn cầu đến năm 2025 bình quân trên 10%/năm là điều kiện tốt để Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Ngày nay, người tiêu dùng trong nước và trên thế giới có xu hướng tiêu thụ thực phẩm thuần chay từ thiên nhiên lành mạnh có hàm lượng calo thấp, và có giá trị dinh dưỡng cao, giảm nguy cơ về tim mạch, những mặt hàng mỹ phẩm cao cấp như dầu gội đầu, kem dưỡng da, son môi, chải lông mi, chất tẩy trang... đang có tiềm năng tiêu thụ lớn.

“Những dấu hiệu tích cực trên đã xuất hiện làn sóng chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ được lan truyền rộng rãi trong từng hộ dân ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang... Đến nay đã có hơn 3.720 vườn dừa organic được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu”, đại diện Cục Xúc tiến thương mại phía Nam nói.

Phát triển vùng nguyên liệu đạt chứng nhận organic tiêu chuẩn quốc tế

Bến Tre được mệnh danh là “thủ phủ” cây dừa, với diện tích trên 72.000 ha, sản lượng trên 612 triệu trái, chiếm gần 39% tổng diện tích dừa trên cả nước. Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 525 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dừa, với tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỷ đồng.

Nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa, …

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các dòng sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ phân khúc thị trường cao cấp. Các sản phẩm kẹo dừa và sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất tự động khép kín thay cho cách làm thủ công truyền thống. Gỗ dừa cũng được khai thác, xuất khẩu và trở thành nhóm sản phẩm đắt đỏ…

Tính đến nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc Khối nguyên liệu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho biết, tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa là rất lớn, vì tất cả các bộ phận của trái dừa, như vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa … đều có thể làm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu, nhất là khi có nhiều doanh nghiệp ngành dừa đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc Khối nguyên liệu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex)

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc Khối nguyên liệu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex)

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng trong nước và thế giới, Betrimex đã xây dựng chiến lược phát triển 10.000 ha dừa organic cho nông dân theo những chuẩn mực quốc tế, và cam kết hỗ trợ bà con vật tư trồng trọt, như phân bón, thuốc trừ sâu; tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ để duy trì bền vững vườn dừa; bao tiêu đầu ra và thu mua dừa tận vườn của bà con nông dân.

Chương trình hợp tác với nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân phát triển lâu dài vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, giúp Betrimex thành công mở rộng vùng nguyên lên đạt chứng nhận Organic (EU, USDA, Nhật Bản, Hàn Quốc) ở hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, với tổng diện tích gần 7.000 ha, với gần 8.000 hộ nông dân trồng dừa, đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng tốt nhất. Ngoài mục tiêu cho sản phẩm sạch, trồng dừa theo phương pháp hữu cơ còn giúp cây dừa chống chịu được hạn mặn tốt hơn.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE