Nới room tín dụng: Không bơm vốn để "nuôi bệnh"

Nguồn vốn mới có chảy vào những doanh nghiệp yếu kém, làm sai để tiếp tục "nuôi bệnh" hay không?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ý kiến chuyên gia, việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) điều chỉnh hạn mức tín dụng toàn hệ thống từ 1,5 – 2%, theo thêm nguồn vốn là cần thiết và phù hợp. Song, làm thế nào để dòng vốn này đi đúng hướng là vấn đề đang đặt ra. Bởi, nếu để dòng tiền chảy vào thị trường đầu cơ càng nguy hiểm hơn, trong khi bơm vốn đúng chỗ, đúng nơi cần cũng rất khó.

Đáp ứng nhu cầu nóng

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Bởi, doanh nghiệp cần vốn nhiều cho hoạt động nhập nguyên liệu đầu vào; trang trải hoạt động của bộ máy doanh nghiệp, và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp cũng cần vốn để tập trung cho xây dựng thương hiệu, quảng bá tham gia hội chợ giao thương nhằm mở rộng thị trường nội địa và tập xuất khẩu.

Tuy vậy, hạn mức tăng trưởng tín dụng là vấn đề liên tục “nóng” thời gian qua khi nhiều ngân hàng đã sử dụng hết số được cấp ngay từ những quý đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới.

“Việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh nhìn nhận.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cần về vốn đang là vấn đề nóng của doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản… Theo đó, có nhiều dự án tốt bị giới hạn nguồn tín dụng nên chưa thể hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới room tín dụng từ 1-2% là động thái tích cực cho thị trường bất động sản trầm lắng hiện nay.

“Khi có thêm nguồn lực thì các dự án tốt có thể hoàn thành và bàn giao cho khách hàng giúp cho giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân, đảm bình ổn vào cuối năm và giúp cho thị trường bất động sản khởi sắc”, ông Hà kỳ vọng.

"Không ngân hàng nào muốn mất vốn"

Dù đánh giá chính sách nới room của NHNN là cần thiết và phù hợp, song TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng băn khoăn về dòng vốn tín dụng sẽ chảy vào đâu sau khi nới room? Nếu để dòng tiền chảy vào thị trường đầu cơ càng nguy hiểm hơn, trong khi bơm vốn đúng chỗ, đúng nơi cần cũng rất khó.

"Tôi đề xuất vẫn cần ưu tiên vốn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, những dự án có thị trường, có nhu cầu… phải luôn bảo đảm vốn để triển khai. Không bơm vốn để nuôi "bệnh" với những doanh nghiệp yếu kém, làm sai" - TS Trần Du Lịch đề xuất.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên quá lo lắng về dòng vốn đi vào lĩnh vực đầu cơ. Bởi trên thực tế, không một tổ chức tín dụng nào muốn dùng nguồn vốn của mình cho vay vào lĩnh vực nhiều rủi ro, khả năng mất vốn cao.

“Nhiều hồ sơ vay vốn của những dự án tốt, những công trình hiệu quả, những người đang mua nhà thực, nhu cầu thanh toán đến hạn của doanh nghiệp… đang chờ xét duyệt. Vì vậy, nguồn vốn 400.000 tỷ đồng sẽ được hấp thụ phần lớn vào lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng… như mục tiêu đề ra.”, ông Lực nhìn nhận.

Dù khẳng định có nhiều dư địa để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song ông Mạc Quốc Anh cho rằng để các ngân hàng thương mại (NHTM) cắt giảm các thủ tục, điều kiện cho vay là rất khó, bởi nó sẽ gây ra rủi ro cho các ngân hàng và toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ phía NHTM thì quan trọng nhất vẫn là nội tại đến từ doanh nghiệp.

“Việc vay vốn có trả được gốc và lãi không? Có trở thành nợ xấu cho ngân hàng không? Đây là câu hỏi mà các ngân hàng luôn đặt ra. Bởi, các ngân hàng phải đảm bảo nguồn đầu ra khi họ phải vay từ các cá nhân, các tổ chức”, ông Mạc Quốc Anh lưu ý.

Thực tế, NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cho vay chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỉ lệ bảo đảm an toàn, tích cực giải ngân vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI giúp duy trì "điểm sáng" của thị trường bất động sản công nghiệp trong quý đầu tiên năm 2024

Bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng của thị trường trong quý 1/2024 nhờ tăng trưởng tốt dòng vốn FDI. Giá thuê đất trung bình tăng nhẹ 1% tại Hà Nội, đạt 214 USD/m²/kỳ hạn, so với quý trước, trong khi giá thuê đất trung bình tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vẫn không tăng, lần lượt là 230 USD/m²/kỳ hạn và 95 USD/m²/kỳ hạn.

Chat với BizLIVE