“Ông lớn” ngân hàng nhập cuộc "cuộc đua" lãi suất huy động

Không thể tiếp tục đứng ngoài “cuộc đua”, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước hôm nay (27/10) đã đồng loạt treo biểu lãi suất huy động mới, với việc tăng từ 1 -1,4 điểm % so với trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Cuộc đua” tăng lãi suất huy động trong mấy ngày gần đây chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi hàng loạt nhà băng thông báo tăng mạnh lãi suất sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp vào hôm 25/10.

Sacombank là một trong những ngân hàng công bố tăng lãi suất huy động đợt mới sớm nhất khi ngay trong ngày 25/10, mức lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng áp dụng cho hình thức gửi tiết kiệm tại quầy đã được điều chỉnh tăng mạnh từ 4,1-4,6%/năm trước đó lên 5,6-6%/năm, tương đương mức tăng 1,4-1,5 điểm %.

Với hình thức gửi tiền qua kênh online, khách hàng gửi tiền tại Sacombank với các kỳ hạn 1-5 tháng đều sẽ được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm.

Không chỉ các mốc lãi suất kỳ hạn ngắn, Sacombank cũng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm với kênh quầy.

Còn nếu gửi qua kênh online, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 7,65%/năm với kỳ hạn 9 tháng và 7,75%/năm với kỳ hạn 11 tháng, tăng 1,2-1,5 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.

Tương tự, tại BacABank, lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng cũng đã được đẩy lên mức kịch trần mới. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn 1 tuần - 3 tuần được áp dụng 1%/năm trong khi lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng là 6%/năm, tăng 1 điểm %/năm so với trước.

Với kỳ hạn dài hơn, ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng phổ biến 0,6-0,8 điểm % so với đầu tháng 10. Hiện, lãi suất cao nhất tại ngân hàng là 8,4%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Một số ngân hàng khác như NCB, SeABank cũng đã áp dụng biểu lãi suất mới kể từ ngày 25/10 với lãi suất tăng mạnh ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó, các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đều được tăng kịch trần 6%/năm.

Trước động thái tăng lãi suất dồn dập của khối ngân hàng tư nhân, đến sáng nay (27/19), nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước bao gồm BIDV, VietinBank và Agribank cũng đã bắt đầu nhập cuộc với việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi từ 1 – 1,4 điểm % so với trước đó.

Theo đó, Agribank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thêm 0,2 điểm % lên 0,5%/năm. Trong khi đó, tại các kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, lãi suất hiện tại đang cùng được ba nhà băng niêm yết ở mức 4,9%/năm, tăng 0,8 điểm % so với biểu lãi suất cũ.

Đối với các kỳ hạn ngắn từ 3-5 tháng, cả ba “ông lớn” đều đang chào ở mức 5,4%/năm, tăng 1 điểm %.

Với kỳ hạn từ 6-11 tháng, Agribank đang niêm yết ở mức 6,1%/năm, tăng 1,3 điểm % trong khi tại Vietinbank là 6%/năm tăng 1,4 điểm % so với trước. Riêng BIDV, lãi suất là 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng.

Hiện, mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này là 7,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tại quầy ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, tăng thêm 1 điểm % so với trước đó.

Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức lãi suất tiền gửi cao nhất được ghi nhận tại Ngân hàng SCB với 9,3%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Một số ngân hàng khác cũng đang chào mức lãi suất lên tới gần 9% áp dụng cho kỳ hạn dài như tại ngân hàng Bản Việt (8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng), NCB (8,45%/năm dành cho kỳ hạn từ 24 tháng), BacABank (8,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng),…

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Lãi CTCK cao nhất 8 quý trở lại, nhóm đầu ngành hướng đến mốc cho vay margin 20.000 tỷ đồng

Lãi CTCK cao nhất 8 quý trở lại, nhóm đầu ngành hướng đến mốc cho vay margin 20.000 tỷ đồng

Nhờ thị trường tích cực trong quý I/2024, lợi nhuận của các CTCK đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 quý trở lại cùng với mức dư nợ cho vay margin và phải thu lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, tham vọng của các CTCK vẫn còn rất lớn với nhiều CTCK đầu ngành hướng đến mốc cho vay 20.000 tỷ đồng giai đoạn cuối năm 2024.

Chat với BizLIVE