Philippines và Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo, thị trường gạo quý cuối năm sẽ nhộn nhịp

Philippines và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Nếu tháng 9, xuất khẩu gạo sang Philippines giảm hơn 40%, do nước này vào mùa thu hoạch nên chính phủ hạn chế nhập khẩu gạo, thì xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gần 100%. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo một số doanh nghiệp, thị trường gạo xuất khẩu trong quý 4 sẽ rất sôi động do Philippines và Trung Quốc đều có nhu cầu nhập khẩu gạo.

Tháng 9, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng gần 100% so với tháng 8

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 9/2022 đạt 583.203 tấn, trị giá 275,312 triệu USD, so với tháng trước giảm 18,8% về lượng và giảm 18,9% về kim ngạch.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt hơn 5,373 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 17,7% về lượng và 7,9% về giá trị. Khối lượng gạo xuất khẩu tăng cao nhưng kim ngạch tăng không tương đương do giá gạo xuất khẩu giảm so với năm 2021.

Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 9, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 184.817 tấn, trị giá 81,594 triệu USD, so với tháng 8 giảm 40,29% về khối lượng và giảm 40,96% về trị giá.

Lũy kế 9 tháng xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 2,471 triệu tấn, trị giá 1,143 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 35,34% về khối lượng và tăng 22,19% về trị giá

Thị trường tiếp sau là Trung Quốc, tháng 9 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 105.568 tấn, trị giá 50,199 triệu USD, so với tháng trước tăng 94,69% về khối lượng và tăng 89,62% về giá trị.

Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 626.012 tấn, trị giá 319,406 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 25,96% về khối lượng và giảm 24,64% về kim ngạch.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Việt Hưng cho biết, sở dĩ trong tháng 9 nhập khẩu gạo Philippines giảm là do nước này đang vào vụ thu hoạch, nên chính phủ hạn chế nhập khẩu. Thông thường Philippines sẽ nhập khẩu gạo trên dưới 2,5 triệu tấn gạo/năm, nhưng hết 9 tháng nước này đã nhập khẩu gần 2,5 triệu tấn gạo, tăng 35,34% so với cùng kỳ năm 2021, và đến thời điểm hiện tại Chính phủ Philippines vẫn chưa cấp lại quota nhập khẩu gạo nên lượng nhập khẩu gạo giảm.

“Hiện có nhiều thương nhân Philippines sang Việt Nam mua gạo nhưng do giá gạo Việt Nam đang cao nên họ có tâm lý chờ thu hoạch vụ Thu Đông gạo có chất lượng tốt và mới.

Thương Nhân Philippines thường lựa chọn những lúc giá gạo Việt Nam xuống thấp mới chịu mua vào, theo tôi có lẽ vào giữa tháng 11 họ sẽ bắt đầu mua lại để đón đầu tháng 12 có quota mới thì nhập khẩu gạo về ngay. Năm nào họ cũng làm như vậy”, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng nói.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Việt Hưng
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Việt Hưng

Giá gạo xuất khẩu đã tăng lên 45 USD/tấn

Hiện nay gạo cao cấp hơn như OM 18, công ty Việt Hưng đang bán sang Trung Quốc giá 475 - 489 USD/tấn; gạo OM 5451 đang được bán với giá từ 460 - 465 USD/tấn, tăng lên 45 USD/tấn. Đối với giá gạo 5% trắng thường giá 432 USD/tấn.

“Hiện có nhiều thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua gạo, lúc trước công ty bán cho họ gạo OM 18 giá 430 USD/tấn, nhưng sau đã tăng lên 475 USD/tấn. Việt Hưng sẽ giao hàng cho thương nhân Trung Quốc đến giữa tháng 11 là kết hợp đồng của năm 2022, nếu thấy giá tốt thêm chúng tôi sẽ ký hợp đồng mới”, ông Đôn cho biết.

Theo thông tin từ các thương nhân kinh doanh gạo ở miền Tây, hiện Trung Quốc đang tăng nhập khẩu gạo thơm và nếp của Việt Nam, và Philippines cũng sẽ tăng mua gạo vào quý 4, với khối lượng khoảng 200.000 tấn/tháng.

“Dự báo, 3 tháng cuối năm Philippines sẽ nhập khẩu gạo tiếp, bình quân lượng gạo nhập khẩu khoảng 200 ngàn tấn/tháng. Năm 2021 Phillippines cũng nhập khẩu với khối lượng tương đương 200 ngàn tấn/tháng”, một thương nhân nói.

Theo một doanh nhân chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, việc Trung Quốc tăng gần 100% lượng gạo nhập khẩu trong tháng 9 có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, cuối năm các thương nhân Trung Quốc cần thanh lý quota trong năm.

Thứ hai, vừa rồi Trung Quốc bị hạn hán nghiêm trọng, và thời điểm đó giá gạo của Việt Nam khá thấp, phù hợp để phía Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu, đặc biệt đối với các loại gạo thơm chất lượng cao họ nhập khẩu tăng đột biến.

Thứ ba, đối với gạo nếp đang có 3 yếu tố tác động: Một là, vào mùa đông ở Trung Quốc thời tiết giá lạnh cũng là lúc các nhà máy sản xuất bột nếp hoạt động mạnh nhất trong năm, nhưng năm nay các nhà máy tồn kho nếp ít nên vừa rồi họ tăng nhập hàng vào để phục vụ sản xuất; hai là, không chỉ Trung Quốc mua nếp Việt Nam mà Philippines cũng tăng mua nếp đã kéo giá nếp tăng mạnh; ba là, sau nhiều năm giá nếp nằm đáy, nhiều nông dân bị thua lỗ nên bỏ trồng nếp, cộng với nhu cầu nếp ở Trung Quốc tăng đã đẩy giá nếp tăng lên, khiến các nhà máy sản xuất bột Trung Quốc càng sốt ruột tăng nhập khẩu.

Dự đoán về diễn biến thị trường gạo trong quý 4, ông Đôn cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước là đang có, nhất là tại 2 thị trường trọng điểm Philippines và Trung Quốc, nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao cho đến thu hoạch vụ Thu Đông thậm chí sang vụ Đông Xuân. Hiện giá gạo xuất khẩu đã tăng lên nhưng vẫn còn thấp hơn mức giá gạo xuất khẩu của năm 2021.

Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông thường nhập khẩu các loại cao cấp như DT8; OM 5451; Nàng Hoa và ST 21, Việt Hưng đang xuất khẩu gạo DT8 vụ Đông Xuân sang thị trường Hồng Kông giá 545 USD/tấn. Các loại gạo được thị trường Philippines ưa chuộng có phẩm cấp thấp hơn một chút, như OM 5451, OM18.

Nhận định về tính cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc, ông Đôn cho rằng thị trường này không cạnh tranh khốc liệt như ở thị trường Philippines, vì ngoài giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương cấp, thương nhân Việt Nam muốn xuất khẩu gạo vào Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu của nước này đặt ra, như: Cơ sở hạ tầng hệ thống quản lý chất lượng, phù hợp với Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc và những yêu cầu khác của phía Trung Quốc về quản lý chất lượng đối với gạo nhập khẩu, lúc trước có 22 doanh nghiệp nhưng nay chỉ có 21 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ở thị trường Philippines, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ cần có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công Thương Việt Nam cấp là được.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE