Sẽ hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 141 doanh nghiệp trong 3 năm tới

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp, thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp và giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là nội dung thoái vốn trọng tâm tại Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty TNHH một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) tại Quyết định 1479/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành.

Theo đó, tại Quyết định trên, Chính phủ quyết định duy trì 195 công ty TNHH một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025).

Thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp. Thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.

Đồng thời, có 21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước được thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025.

Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc: Bộ Y tế, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp chưa được quy định tại Quyết định này (không thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) thực hiện sắp xếp theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày 29/11/2022 thì được thực hiện theo 02 phương án.

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động điều chỉnh lại tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ khi xây dựng Phương án theo Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định này và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp.

Thứ 2, đối với các doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa, thoái vốn thì thực hiện theo Phương án đã được phê duyệt và tiếp tục xây dựng phương án để thực hiện thoái vốn theo tỷ lệ quy định tại Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định này.

Hướng đi đối với "Big 4" ngân hàng

Một điểm đáng chú ý, tại Quyết định 1479/QĐ-TTg, Chính phủ cũng đã đề cập đến phương án cổ phần hóa, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của nhà nước tại 4 ngân hàng thương mại lớn do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hiện nay.

Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nằm trong danh sách thực hiện cổ phần, với tỷ lệ vốn nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là trên 65%.

Đối với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), nằm trong danh sách kế hoạch giữ nguyên phần vốn nhà nước, tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%.

Riêng với 2 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được sắp xếp theo phương án riêng, Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ - trong đó đã nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 02 ngân hàng.

Hiện nay, nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE