Số tài khoản chứng khoán mở mới nối dài chuỗi sụt giảm

Tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước ghi nhận 96.427 tài khoản trong tháng 10/2022, giảm nhẹ so với tháng trước đó, là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước ghi nhận 96.427 tài khoản trong tháng 10/2022, trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 96.290 tài khoản và các tổ chức mở mới 137 tài khoản. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm.

Tính đến cuối tháng 9, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,65 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,6% dân số. Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 2,4 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số của cả 4 năm 2018, 2019, 2020 và 2021 cộng lại.

Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.

Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước liên tục giảm mạnh cũng phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường thời gian gần đây. Theo thống kê, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 10 chỉ đạt 9.300 tỷ đồng, giảm 21% so với tháng trước và là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Nhiều phiên giao dịch thậm chí còn khớp lệnh chưa đến 7.000 tỷ đồng.

Trong tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 174 tài khoản trong đó cá nhân mở mới 162 tài khoản, tổ chức mở mới 12 tài khoản. Tính đến cuối tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.242 tài khoản.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong dài hạn, VDSC mới đây kỳ vọng một số yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường. Thứ nhất, áp lực tăng lãi suất Fed kỳ vọng giảm trong giai đoạn sắp tới. Theo số liệu giao dịch hợp đồng tương lai, tốc độ tăng lãi suất Fed đã có xu hướng hạ nhiệt từ nửa cuối tháng 10 sau đà tăng nhanh nhiều tháng trước đó. Lãi suất chạm mức 5,1% tại ngày 21/10, sau đó có xu hướng đi ngang ở mức 4,8%-4,9% cho đến nay.

Nếu lãi suất Fed tiếp tục được thị trường kỳ vọng giữ ở mức này trong thời gian tới, điều này sẽ khiến giảm áp lực rút ròng đồng USD tại các quốc gia, từ đó sẽ giảm áp lực lên tỷ giá và lãi suất.

Thứ hai, các thông tin về khả năng mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Theo VDSC, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn trong những năm tới, từ đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Thứ ba, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam tích cực. Theo đó, chỉ số PMI tháng 10 ghi nhận ở mức 50,6 điểm, giảm 1,9 điểm so với tháng 09. Nguyên nhân theo khảo sát đến từ việc giảm các đơn hàng. Tăng trưởng GDP cả năm đạt mục tiêu và lạm phát trong tầm kiểm soát. VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý 4 vào khoảng 6,3-6,7%, tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước khoảng 8,1-8,2%. Lạm phát chung cả năm 2022 ước khoảng 3,6-3,8%, thấp hơn so với mục tiêu 4% của Chính phủ.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

VN-Index có lần đầu tiên trở lại mốc 1.250 điểm sau hơn 1 tháng

VN-Index có lần đầu tiên trở lại mốc 1.250 điểm sau hơn 1 tháng

Mặc dù kỳ số liệu CPI tháng 4 của Mỹ và đáo hạn phái sinh vẫn ở phía trước nhưng thị trường vẫn có những vận động tích lũy khả quan. Sau chuỗi 3 phiên hạ nhiệt là 2 phiên tăng trở lại và còn giúp VN-Index có lần đầu tiên lấy lại mốc 1.250 điểm sau gần 1 tháng.

Chat với BizLIVE