Thanh khoản thị trường kiệt quệ, VHM thủng đáy tháng 11/2022

Kể cả những nhóm ngành tích cực nhất cũng chưa thể thoát khỏi hiệu ứng điều chỉnh chung. Thị trường chứng kiến sự kiệt quệ về thanh khoản với giá trị giao dịch cả phiên sáng chỉ hơn 2.300 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Định vị thị trường

Sau khi chặn được nhịp điều chỉnh, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ trong đêm qua đều cùng hồi phục. Biên độ tăng của 3 chỉ số đều chỉ dưới 1% cho thấy tâm lý vẫn chưa thực sự tự tin. Các thị trường tại châu Á đều chưa lấy lại trạng thái tích cực. Trong khi NIKKEI 225 đang tăng hơn 1% thì CSI 300 (-1,01%), KOSPI (-0,51%), TWSE (-0,26%) lại giảm nhẹ cuối phiên sáng nay.

VN-Index dù đã có sự can thiệp của nhóm Ngân hàng ở chiều qua nhưng cũng chỉ làm chậm lại nhịp giảm. Các cổ phiếu nối tiếp nhịp giảm của phiên hôm qua khiến chỉ số đã mất hơn 1% cuối phiên sáng.

Chất xúc tác

Khối ngoại từ vị trí "cứu tinh" của thị trường đã chuyển hướng bán ròng rõ rệt. Phiên hôm qua, họ đã có phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp và cũng đồng thời có phiên bán ròng mạnh nhất trong chuỗi giao dịch, đạt -678 tỷ đồng trên HOSE. Qua đó, tính từ đầu năm, cả 3 sàn đã thu hẹp quy mô mua ròng xuống 4.754 tỷ đồng.

Cuối phiên sáng nay, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng gần 100 tỷ đồng với nhiều mã bị rút tiền như VNM (-19,26 tỷ đồng), DCM (-16 tỷ đồng), DGC (-15,7 tỷ đồng)…

Hoạt động bán ròng của khối ngoại ít nhiều có liên quan đến việc thị trường ngoại hối đang nóng lại trong thời gian gần đây. Tỷ giá đồng USD bán các ngân hàng thương mại đã trên ngưỡng 24.000 đồng/USD trong khi đó chỉ số DXY đang nhích dần lên 104,5 điểm.

Vận động nhóm ngành

Trong chiều qua, các cổ phiếu Ngân hàng đã phải làm nhiệm vụ "giải cứu" thị trường để VN-Index thu hẹp đà giảm cuối phiên xuống dưới 1 điểm. Tuy nhiên, các nỗ lực của Ngân hàng vẫn chỉ mang tính kỹ thuật nhiều hơn thay vì tác động vào tâm lý của thị trường.

Nhiều cổ phiếu chỉ tăng lại với biên độ khá mỏng nhưng đến sáng nay đã đồng loạt giảm giá. Gần như toàn bộ nhóm Ngân hàng ghi nhận sắc đỏ như BID (-1,5%), CTG (-1,4%), VCB (-0,3%), TCB (-2,5%), MSB (-2,4%), ACB (-2,2%), STB (-1,6%), VIB (-0,9%), VPB (-0,6%).

Nhóm cổ phiếu Bất động sản đã nhanh chóng đánh mất hết các thành quả đầu tuần và những mã như VHM (-2,26%), DXG (-4,6%), NLG (-3,15%), KDH (-2,06%) đều về vùng giá của tuần trước. VHM thậm chí còn về dưới vùng đáy của tháng 11, thời điểm thị trường đang hoảng loạn do làn sóng bán "giải chấp chéo".

Cả rổ VN30 có tới 27/30 mã giảm nên thị trường, gần như chưa có bất cứ động lực nào để hồi phục. Tính chung trên cả sàn, sắc đỏ phủ gần 65% số mã.

2 nhóm cổ phiếu cũng được xem là "khỏe" nhất bên cạnh Ngân hàng là Đầu tư công và Dầu khí đều chưa thể thoát được hiệu ứng bán ra. PVD (-1,38%), HHV (-2,6%), LCG (-1,97%), VCG (-2,63%), KSB (-2,98%), FCN (-1,3%) tiếp tục phải hạ độ cao.

VN-Index cuối phiên sáng giảm 11,94 điểm xuống 1.041,72 điểm (-1,13%). Thanh khoản chỉ đạt 2.366 tỷ đồng, bằng 1/2 mức giao dịch bình quân 1 tháng. Trạng thái gần như kiệt quệ của dòng tiền nhưng đặt trong xu hướng điều chỉnh giảm của thị trường cũng có thể xem là tín hiệu để nhà đầu tư bớt đi sự bi quan. Nếu có một cú hích, VN-Index hoàn toàn có thể sẽ có một nhịp hồi khá mạnh.

Ở 2 sàn còn lại, dù sắc đỏ cũng bao trùm nhưng hiện biên độ của 2 chỉ số đều không bị nới ra. HNX-Index giảm 0,39% còn UPCoM-Index giảm 0,75%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 400 tỷ đồng.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Lãi CTCK cao nhất 8 quý trở lại, nhóm đầu ngành hướng đến mốc cho vay margin 20.000 tỷ đồng

Lãi CTCK cao nhất 8 quý trở lại, nhóm đầu ngành hướng đến mốc cho vay margin 20.000 tỷ đồng

Nhờ thị trường tích cực trong quý I/2024, lợi nhuận của các CTCK đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 quý trở lại cùng với mức dư nợ cho vay margin và phải thu lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, tham vọng của các CTCK vẫn còn rất lớn với nhiều CTCK đầu ngành hướng đến mốc cho vay 20.000 tỷ đồng giai đoạn cuối năm 2024.

Chat với BizLIVE