[BizDEAL]

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam muốn thoái vốn tại nhiều cảng biển lớn

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất giai đoạn từ nay tới năm 2025 sẽ thoái vốn nhà nước nắm giữ tại công ty mẹ về mức 65%, giảm mức sở hữu tại một số cảng biển lớn về mức 51%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VIMC muốn thoái vốn tại nhiều cảng biển lớn

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, gửi lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan. Theo đề án, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ từ 99,4% vốn hiện nay xuống còn 65%.

Với khối doanh nghiệp thành viên VIMC đang khai thác các cảng biển, VIMC đề xuất giảm sở hữu vốn của công ty mẹ tại 5 cảng về mức 51% cổ phần, gồm: Cảng Cần Thơ (đang nắm 99% vốn), cảng Cam Ranh (đang nắm gần 81% vốn), cảng Quy Nhơn (hiện nắm 75% vốn), cảng Đà Nẵng (hiện nắm 75% vốn), cảng Cái Lân (Quảng Ninh, hiện nắm 56% vốn).

Riêng cảng Hải Phòng, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ vốn sở hữu từ 92,5% hiện nay xuống còn 65% vốn; thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao (hiện nắm 56% vốn).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện vốn nhà nước tại VIMC) đề nghị VIMC có thoái vốn tại các doanh nghiệp cảng biển, nhưng chỉ giảm tỷ lệ sở hữu về mức 65% (thay vì 51% như VIMC đề xuất), gồm các cảng: Cần Thơ, Hải Phòng, Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng. Riêng cảng Cái Lân không tiếp tục thoái vốn. Năm 2021, các cảng biển này đều có lãi, như: Cảng Quy Nhơn lãi hơn 330 tỷ đồng, cảng Đà Nẵng lãi hơn 238 tỷ đồng, cảng Cam Ranh lãi 43 tỷ đồng, cảng Cái Lân lãi 5 tỷ đồng…

Công ty con của CII muốn trở thành cổ đông lớn tại NBB

CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (mã CEE) đăng ký mua vào 7 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) trong khoảng thời gian dự kiến từ ngày 2/11 đến 1/12/2022 nhằm mục đích đầu tư.

Nếu hoàn tất mua 100% lượng đăng ký, CEE sẽ nắm giữ 7 triệu cổ phiếu tại NBB, tương đương 6,99% vốn và trở thành cổ đông lớn của NBB. Trước giao dịch, CEE không nắm giữ cổ phiếu nào tại NBB.

Tính từ 30/9, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) sở hữu 80% vốn điều lệ tại CEE và ghi nhận là đầu tư vào công ty con. Đồng thời, CII cũng đang sở hữu 37,52% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và ghi nhận là công ty liên kết.

Trước đó, CII đã bán 10 triệu cổ phiếu NBB giảm tỷ lệ sở hữu từ 47,51% về còn 37,52% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 7/7 đến 5/8.

Cổ phiếu dò đáy, Chủ tịch Đất Xanh đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu DXG trong thời gian từ 27/10 đến 25/11/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận với mục đích nâng tỷ lệ sở hữu vốn từ 18,86% (tương đương gần 114,9 triệu cổ phiếu) lên 20,5% (tương đương gần 124,9 triệu cổ phiếu).

Trước đó, từ ngày 23/8 – 21/9/2022, ông Thìn đã hoàn tất mua thêm 5 triệu cổ phiếu bằng phương thức khớp lệnh.

Động thái mua vào của Chủ tịch Đất Xanh diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DXG đang trong chuỗi điều chỉnh sâu dưới áp lực bán ra rất mạnh.

Kể từ đỉnh cuối tháng 3 đến nay, thị giá cổ phiếu DXG liên tục lao dốc từ mức giá đỉnh 46.000 đồng/cổ phiếu xuống 13.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 28/10), tương ứng giảm hơn 70% kể từ đỉnh. Tạm tính theo giá này, ông Lương Trí Thìn sẽ chi khoảng 135 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu DXG.

Chủ tịch Khải Hoàn Land muốn gom 5 triệu cổ phiếu KHG

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu KHG từ ngày 31/10 đến 29/11 thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn nhằm tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân.

Hiện, ông Hoàn đang nắm giữ gần 139 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 31,29% vốn. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu nắm giữ của ông sẽ tăng lên gần 144 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 32,42%.

Tạm tính theo giá chốt phiên 28/10 là 6.300 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hoàn sẽ phải chi gần 31,5 tỷ đồng để gom về số cổ phiếu nói trên.

Trước đó, ông Khải Hoàn đã thành công mua vào 3 triệu cổ phiếu KHG qua đó tỷ lệ sở hữu được nâng lên 31,29%.

Động thái mua gom cổ phiếu của Chủ tịch Khải Hoàn Land diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu KHG đang trên đà lao dốc về vùng đáy lịch sử.

Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại GEX, FPT, KDH

Thời gian gần đây, nhóm quỹ thành viên của Dragon Capital liên tục có động thái thoái vốn tại CTCP Tập đoàn GELEX (mã GEX), lần gần nhất báo cáo là vào phiên 21/10 với khối lượng bán ra là 379.000 cổ phiếu.

Sau giao dịch phiên 21/10, lượng cổ phiếu GEX mà Dragon Capital nắm giữ đã giảm xuống còn 42,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,98%). Như vậy chưa đầy 1 tháng, Dragon Capital đã bán ròng gần 12 triệu cổ phiếu GEX qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,96% và không còn là cổ đông lớn.

Tương tự, trong ngày 21/10, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital quản lý cũng thông báo đã hoàn tất bán ròng 457.300 cổ phiếu FPT của CTCP FPT.

Thời gian qua, nhóm Dragon Capital liên tục có động thái mua/bán cổ phiếu FPT. Gần nhất vào ngày 19/10, các quỹ thành viên thuộc của nhóm đã mua thêm 130.000 cổ phiếu FPT. Trước đó, nhóm này đã bán 700.000 đơn vị trong ngày 3/10. Như vậy, tính từ đầu tháng 10, Dragon Capital đã bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu FPT qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,96% và không còn là cổ đông lớn.

Ngày 25/10, nhóm quỹ do Dragon Capital đã hoàn tất bán ra gần 763.000 cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền.

Sau giao dịch, sở hữu của Dragon Capital tại KDH giảm xuống mức 35,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,9975% vốn. Chỉ hơn một tháng qua, Dragon Capital đã bán ròng hơn 7 triệu cổ phiếu KDH và không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp bất động sản này.

Ở chiều ngược lại, bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT KDH vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KDH trong thời gian từ ngày 31/10 đến ngày 29/11/2022. Cũng thời gian này, quỹ ngoại trực thuộc VinaCapital là VOF Investment Limited đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH, theo giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh. Hiện nhóm quỹ VinaCapital đang sở hữu khoảng 12% vốn điều lệ tại Nhà Khang Điền.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE