TP.HCM: Quản lý thị trường theo dõi 24/24 hơn 500 cây xăng

Hiện 550 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM đều có lực lượng quản lý thị trường theo dõi 24/24 và kiểm tra đầy đủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin được lãnh đạo ngành công thương TP.HCM đề cập tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh và tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP diễn ra chiều ngày 13/10.

Liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện 550 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn TP đều có lực lượng quản lý thị trường theo dõi 24/24 và kiểm tra đầy đủ.

Đối với cửa hàng đóng cửa không có sự chấp nhận của Sở theo quy định hoặc có gián đoạn hàng hóa, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và kiểm tra luôn lượng xăng dự trữ trong bồn bể. Trong trường hợp xăng còn mà cửa hàng không bán sẽ bị xử phạt. Theo Cục Quản lý thị trường, qua kiểm tra, các cửa hàng đều cạn xăng, không có tình trạng găm hàng.

Giải thích về tình trạng một số cửa hàng không bán xăng dầu những ngày qua, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế khá, chuỗi cung ứng lớn, có đại lý, bên cạnh các cửa hàng của mình còn có các đại lý, các cửa hàng nhượng quyền, có hệ thống kho bãi lưu trữ tốt, có phương tiện vận chuyển tốt, nên trường hợp khi nhu cầu có tăng lên, sức bán tăng, dẫn đến nhanh chóng cạn kiệt tại các cửa hàng thì doanh nghiệp này có điều kiện để chia sẻ kịp thời để duy trì bán hàng liên tục.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, chỉ có vài cửa hàng, thường nhận hàng các doanh nghiệp tư nhân phân phối. Các của hàng này chỉ thực hiện bán lẻ, không có xe vận chuyển, không có kho dự trữ hoặc chỉ dự trữ ngay tại cửa hàng nên khi hết hàng phải chờ xe, chờ nhà cung cấp. Trong trường hợp hết hàng giờ cao điểm, do xe bồn không được vận chuyển trong giờ cao điểm nên bắt buộc phải ngưng để chờ nguồn hàng, không thể cung cấp được ngay.

Lãnh đạo sở thông tin, tính tới 14 giờ ngày 13/10, số lượng cửa hàng bị gián đoạn cung ứng xăng đã giảm một nửa so với ngày trước đó. Qua theo dõi, số lượng người mua tại các doanh nghiệp lớn giảm nhiều, gần như không còn tình trạng xếp hàng, khách đến đổ xăng là được đáp ứng ngay.

Là doanh nghiệp có khoảng 20% số của hàng xăng dầu tại TP.HCM với khoảng 35% thị phần, Giám đốc Petrolimex Sài Gòn Phạm Anh Tuấn cho biết, những ngày qua, lượng khách đổ dồn các cửa hàng của Petrolimex Sài Gòn rất lớn, tăng 125%; đỉnh điểm có ngày tăng 240%. Dù vậy, Petrolimex Sài Gòn vẫn đáp ứng nguồn cung, tất cả các cửa hàng của Petrolimex Sài Gòn đều bán hàng ổn định.

Từ 13-17/10, Petrolimex Sài Gòn sẽ nhập về tổng kho Nhà Bè khoảng 100.000 m3. Dự kiến, tháng 10 sẽ nhập 30.000 - 40.000 m3 xăng từ các nhà máy trong nước và 80.000 m3 dầu nhập khẩu. Với lượng bổ sung này, đơn vị hoàn toàn khả năng đáp ứng hệ thống phân phối của mình. Cùng với đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có kế hoạch nhập khẩu về Tổng kho Nhà Bè từ đầu tháng 11 để chuỗi cung ứng được liên tục, không bị gián đoạn.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cam kết không có cửa hàng nào đóng cửa vì thiếu nguồn cung và tất cả cửa hàng của Petrolimex Sài Gòn không giới hạn số lượng mua.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Quang cảnh hội thảo

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và đại diện các bộ, ban, ngành tổ chức buổi chia sẻ về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Chat với BizLIVE