[BizDEAL]

Trước thềm lên sàn, VNG muốn bán 25% cổ phần với giá bằng 1/10 giá thị trường

VNG dự kiến bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ (chiếm 24,74% lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho CTCP Công nghệ BigV với giá bình quân là 177.881 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 1.264 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VNG lên phương án bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ

CTCP VNG vừa công bố các tờ trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Trong đó, HĐQT VNG dự kiến trình ĐHĐCĐ xem xét và thông qua phương án bán tối đa hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ VNG đang nắm giữ (chiếm 24,74% lượng cổ phiếu đang lưu hành) nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động, vốn cho đầu tư và hoạt động kinh doanh để tăng quy mô vốn hoạt động, mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài của công ty. Phương thức chào bán là chào bán riêng lẻ.

Bên cạnh đó, HĐQT VNG sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt không phải chào mua công khai đối với nhà đầu tư dự kiến được mua cổ phiếu quỹ.

Theo phương án, VNG sẽ bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV (có vốn điều lệ đã góp là 101 tỷ đồng) với giá bình quân mua vào là 177.881 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 1.264 tỷ đồng.

Mức giá này chỉ bằng 1/10 so với mức giá 1,7 triệu đồng/cp mà Công ty quản lý quỹ Mirae Asset đã mua vào trong năm 2021. Trước đó, vào năm 2019, VNG cũng trực tiếp bán cổ phiếu quỹ cho Temasek với mức giá 1,86 triệu đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, CTCP Công nghệ BigV đang sở hữu hơn 1,6 triệu cổ phiếu của VNG, tương đương tỷ lệ sở hữu là 5,7% trên lượng cổ phiếu đang lưu hành (4,6% vốn điều lệ). Nếu mua thành công toàn bộ số cổ phiếu quỹ của VNG, BigV sẽ nâng sở hữu lên 8,75 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 24,4% lượng cổ phiếu đang lưu hành và vốn điều lệ.

Do VNG bán cổ phiếu quỹ nên sau giao dịch, lượng cổ phiếu đang lưu hành sẽ tăng từ 28,7 triệu lên 35,8 triệu cổ phiếu.

BigV mới trở thành cổ đông lớn của VNG vào ngày 24/11 - cùng ngày mà VNG Limited, pháp nhân có trụ sở tại Cayman mua vào toàn bộ số cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài để sở hữu 49% vốn điều lệ của VNG.

Liên doanh thực phẩm và đồ uống giữa Vinamilk và Kido giải thể

Hội đồng quản trị CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Kido vừa cùng thông báo dừng hoạt động và giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev sau gần hai năm hoạt động.

Trong thông báo, Vinamilk cho biết lý do giải thể là do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của cả Vinamilk và Kido. Cùng nêu lý do tương tự, nhưng phía Kido bổ sung thêm quyết định này còn đến từ ảnh hưởng của những biến động khó đoán của thị trường trong nước và kinh tế thế giới.

Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev được thành lập vào tháng 3/2021 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 400 tỷ đồng, trong đó Kido góp 49% (tương đương 196 tỷ đồng) và Vinamilk góp 51% (tương đương 204 tỷ đồng).

Hoạt động chính của liên doanh này là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không gas có lợi cho sức khoẻ và kem với thương hiệu Vibev.

Phát Đạt hoàn tất chuyển nhượng 89% cổ phần tại Địa ốc Hòa Bình

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng gần 28,5 triệu cổ phần phổ thông, tương đương 88,99% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình.

Trong đó, CTCP Địa ốc Hòa Bình là chủ đầu tư dự án 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM hay còn được biết đến với tên gọi Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến. Dự án này mới được Phát Đạt mua lại hồi đầu năm nay.

Trong thông báo trước đó, Phát Đạt cho biết việc chuyển nhượng cổ phần tại Địa ốc Hòa Bình nằm trong chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của doanh nghiệp với mục đích tối ưu nguồn lực đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn.

Cuối tháng 11 vừa qua, Phát Đạt thông báo đã mua lại trước hạn 150 tỷ đồng trái phiếu. Trước đó, doanh nghiệp bất động sản này cũng cho biết đã thanh toán các khoản vay vốn lưu động có tổng giá trị 220 tỷ đồng từ Mirae Asset vào ngày 25/10 và 21/11.

Chủ tịch Nhà Khang Điền mua xong 10 triệu cổ phiếu KDH

Bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH) thông báo đã hoàn tất mua vào 100% số lượng cổ phiếu đã đăng ký là 10 triệu cổ phiếu KDH.

Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 4/11 đến 29/11. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu bà Trang nắm giữ tại KDH tăng từ 10,3 triệu đơn vị lên 20,3 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 1,44% lên 2,84% vốn điều lệ.

Cùng chiều mua vào, gần đây nhóm quỹ ngoại Dragon Capital cũng đã thành công mua vào 1,1 triệu cổ phiếu KDH trong phiên 25/11 để tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,07%.

Trước đó, một quỹ ngoại khác là VOF Investment Limited thuộc VinaCapital quản lý cũng đã mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH để nâng sở hữu từ 0% lên 1,41% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 31/10 đến 8/11/2022.

Động thái mua gom của loạt quỹ ngoại cùng lãnh đạo công ty diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu KDH đang giao dịch quanh vùng đáy 20 tháng. Tuy nhiên trong 6 phiên gần đây, thị giá cổ phiếu KDH đã tăng 38,5% lên, 29.100 đồng/cổ phiếu, hồi phục được 50% so với đáy thiết lập hai tuần trước. Dù vậy, so với đỉnh hồi đầu tháng 1 năm nay, thị giá cổ phiếu KDH vẫn sụt giảm gần 44%.

Dragon Capital trở lại vai trò cổ đông lớn GEX và DGC

Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital quản lý thông báo đã mua vào tổng cộng gần 5,2 triệu GEX của CTCP Tập đoàn GELEX trong phiên 29/11.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã tăng từ 4,74% (40,34 triệu cổ phiếu) lên mức 5,34% (45,49 triệu cổ phiếu) và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Gelex. Tạm tính theo thị giá GEX đóng cửa cùng ngày diễn ra giao dịch, số tiền Dragon Capital có thể chi ra vào khoảng 76 tỷ đồng.

Cùng ngày, nhóm quỹ ngoại cũng đồng thời báo cáo giao dịch gom thêm gần 3,7 triệu cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP. Hiện tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại KBC tăng từ 5,57% (42,77 triệu cổ phiếu) lên mức 6,48% (46,43 triệu cổ phiếu). Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên, nhóm quỹ đã chi khoảng 74 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.

Trước đó, trong phiên 28/11, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua ròng tổng cộng 1,15 triệu cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu DGC mà Dragon Capital nắm giữ tăng từ 17,98 triệu lên 19,13 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 4,73% lên hơn 5%, qua đó quay trở lại làm cổ đông lớn của Hóa chất Đức Giang. Tạm tính theo giá kết phiên 28/11 là 53.900 đồng/cổ phiếu nhóm quỹ ngoại đã chi khoảng 62 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Ngoài ra, trong phiên 30/11, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 300 nghìn cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT trong phiên 30/11 nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,76% (6,8 triệu cổ phiếu) lên mức 6,02% (7,1 triệu cổ phiếu).

Cùng phiên, Dragon Capital cũng mua thêm 930 nghìn cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau nâng tỷ lệ sở hữu tại DCM từ 5,9% (31,22 triệu cổ phiếu) lên mức 6,07% (32,15 triệu cổ phiếu).

Ở chiều ngược lại, trong phiên 30/11, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán toàn bộ hơn 36,2 triệu cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) và không còn là cổ đông của Hải Phát Invest. Tính theo giá kết phiên ngày 30/11 là 9.100 đồng/cổ phiếu, nhóm quỹ này thu về khoảng 329,5 tỷ đồng sau khi thực hiện giao dịch trên.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Quang cảnh hội thảo

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và đại diện các bộ, ban, ngành tổ chức buổi chia sẻ về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Chat với BizLIVE