Vì sao Việt Nam "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế?

Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch COVID-19, ngay sau đó du lịch cũng sớm mở cửa trở lại. Song đến nay, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng, trong khi lượng du khách nội địa đã vượt kế hoạch đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2022 thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%).

Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (5 triệu lượt khách). Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Trước thực tế này, phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch COVID-19; từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.

"Đến nay, chúng ta thấy chủ trương này là hết sức đúng đắn", Thủ tướng nói và trăn trở "tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn".

Thủ tướng đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế.

"Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?", Thủ tướng đặt vấn đề.

Cung cấp dịch vụ khách du lịch cần chứ không chỉ cái sẵn có

Thủ tướng cho biết, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Việt Nam là đất nước đặc trưng, có nền văn hoá đặc sắc, có nhiều di sản. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm khôi phục ngành du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 hay không với việc thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hoá làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch.

Thủ tướng cho rằng, trước đại dịch, du lịch Việt Nam cũng chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch lại chưa có đột phá do các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đại dịch COVID-19 tác động, gây hậu quả tới nhiều ngành, nhiều nghề nhưng ngành du lịch chịu tác động nặng nề hơn. Do đó, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các địa phương đã cố gắng, nỗ lực rồi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa, thay đổi cách tư duy, tiếp cận mới trong xử lý các vấn đề cụ thể, sát điều kiện Việt Nam và tình hình thế giới hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh định hướng "cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có". Đồng thời, cần xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế - Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế - Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, phát triển ngành du lịch những năm tới đây cần theo tinh thần tạo đột phá, phát triển cả du lịch quốc tế và nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững và phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực.

Phát triển du lịch cũng phải gắn với kinh tế, văn hóa, thể thao, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới.

Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ

Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…

Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế…

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch... cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới.

Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.

Đồng thời, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè, du khách quốc tế. Phục hồi nhanh và phát triển bền vững du lịch gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE