VN-Index đứt chuỗi 7 phiên tăng trong ngày ra số liệu GDP quý 2/2023

Không còn nhận được lực kéo của các cổ phiếu VN30 như các phiên gần đây, thị trường đã dễ dàng khuất phục trước đà chốt lời. Đây cũng có thể là phản ứng của nhà đầu tư trong nước với kết quả GDP quý 2/2023 vừa được công bố sáng nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VN-Index đứt chuỗi 7 phiên tăng trong ngày ra số liệu GDP quý 2/2023

Định vị thị trường

Thị trường Việt Nam đã có phiên điều chỉnh khá mạnh nhưng nguyên nhân không đến từ biến số quốc tế. Các chỉ số chứng khoán Mỹ lẫn châu Á vẫn chỉ trong trạng thái giằng co. Đêm qua, S&P 500 (-0,04%), Dow Jones (-0,22%) giảm nhẹ còn sáng nay, các chỉ số hàng đầu tại châu Á như NIKKEI 225 (+0,12%), TWSE (+0,04%) và KOSPI (-0,55%) lại biến động trái chiều nhau.

Chất xúc tác

Nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng tới thị trường là bản chất thị trường cần phải được hạ nhiệt cùng với đó là số liệu vĩ mô quý 2/2023 đã cho thấy bức tranh kinh tế vẫn chưa có sự hồi phục tích cực. GDP quý 2/2023 theo ước tính của Tổng cục thống kê đã tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước và chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Điều này sẽ phần nào dự báo về kết quả kinh doanh được các doanh nghiệp trên sàn công bố tới đây.

Nhà đầu tư nội với vai trò chủ đạo trên thị trường sẽ cần có những đánh giá và sàng lọc lại những cơ hội giao dịch. Tuy nhiên, với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, hành vi giao dịch lại chưa chịu ảnh hưởng. Các mã HPG (+181 tỷ đồng), VNM (+82,3 tỷ đồng), VHM (+37,76 tỷ đồng) được khối này mua vào, giúp HOSE có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp.

HPG với phiên mua ròng hôm nay đã có 16 phiên mua ròng liên tiếp với tổng giá trị nhận được đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.

Vận động nhóm ngành

Các phiên giao dịch gần đây, vai trò kéo điểm của VN30 là rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu lớn như HPG (-3%), MSN (-2,1%), TCB (-2%), BID (-1,9%), MBB (-1,9%) đã quay sang điều chỉnh đồng loạt. Cả rổ VN30 chỉ còn lại đúng 2 cổ phiếu VCB (+0,8%), VNM (+1,8%) tham gia đỡ điểm số nhưng biên độ cũng khá hẹp.

VN30 thay vì kéo điểm cuối phiên đã có diễn biến khác các phiên trước. Chỉ số đóng cửa giảm 1,39% xuống 1.125,29 điểm.

Trong khi đó, VN-Index có biên độ giảm thấp hơn, mất 1,14% xuống 1.125,39 điểm cho thấy thị trường vẫn có những nỗ lực kiểm soát tâm lý thay vì cuốn theo diễn biến của Bluechips.

Độ rộng của HOSE đạt 75% mã giảm trong đó nhóm cổ phiếu Chứng khoán tỏ ra nhạy cảm nhất với FTS (-5,4%), AGR (-5,1%), VCI (-4,5%), VIX (-3,5%), SSI (-4,1%), VND (-3,8%), CTS (-3,9%), VND (-3,8%), đều giảm vượt mặt bằng chung. Tương tự, nhóm Bất động sản với DIG (-5,8%), NBB (-5,2%), NTL (-4,7%), NVL (-3,8%).

Nhóm cổ phiếu Thép với đặc tính thị trường cao cũng không thoát kết cục giảm mạnh ở NKG (-5%), SMC (-4,7%), POM (-4,6%).

Những nhóm cổ phiếu có sự tiết chế tâm lý tốt hơn là Khu Công nghiệp, Đầu tư công, Cảng biển, với C4G (-2,2%), FCN (-2,5%), VCG (-2,1%), SZC (-2,7%), KBC (-2%), HAH (-2,4%), GMD (-1,9%).

Xét về quy mô giao dịch, thanh khoản đã được khôi phục lên gần sát mức bình quân 20 phiên, đạt 839 triệu đơn vị khớp lệnh. Tính cả thỏa thuận, HOSE đạt 906 triệu đơn vị, tương đương 17.347 tỷ đồng.

Trên HNX và UPCoM, SHS, CEO, MBS, TAR, LIG, VGI ghi nhận mức giảm trên 3%. 2 chỉ số đều đóng cửa giảm lần lượt 1,2% và 0,42%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE