Xuất khẩu gạo có thể mang về 4 tỷ USD năm 2023

6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 4,2 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% trị giá. Nhu cầu thị trường đang tốt, dự báo cả năm xuất khẩu gạo có thể đạt trên, dưới 8 triệu tấn, mang về 4 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công bố tại họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu gạo sẽ đạt trên, dưới 8 triệu tấn, mang về 4 tỷ USD

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong sản xuất gạo đạt chất lượng cao, và giá cũng cao hơn, đã xuất khẩu nhiều gạo Jasmine sang châu Phi, gạo lứt và Japonica sang Hàn quốc. Gạo thương mại đi Philippines tăng về số lượng và chất lượng. Không chỉ vậy, mặt hàng gạo xuất khẩu sang các nước đối tác phải thực hiện theo đơn đặt hàng, in ký mã hiệu và mẫu mã hàng hóa cho phù hợp với thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng tại nước nhập khẩu gạo.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, bối cảnh El Nino diễn biến phức tạp và căng thẳng địa chính trị buộc nhiều nước tăng dự trữ lương thực, vì vậy, xuất khẩu gạo 6 tháng qua tăng trưởng rất tốt cả về sản lượng và giá trị, có nhiều khả năng năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt trên, dưới 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Việt Nam chỉ có diện tích 1,7 triệu ha đất lúa, nhưng năng suất trồng lúa khá cao, giá gạo xuất khẩu cao hơn Ấn Độ, xấp xỉ Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã phát triển được các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, cũng như tạo ra được rất nhiều sản phẩm chế biến sâu từ giống lúa này. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước thì kế hoạch sản xuất lúa năm 2023, xuống giống 3,798 triệu ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, với sản lượng ước đạt 23,921 triệu tấn lúa.

Xuất khẩu gạo rất cần những thông tin về cơ cấu giống, dự báo và thu hoạch

Góc nhìn là nhà phân tích thị trường, ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế Trưởng AgroMonitor cho rằng, để xuất khẩu gạo thành công bên cạnh những thông tin về nhu cầu thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, … doanh nghiệp gạo rất cần biết về chi tiết cơ cấu giống lúa sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cập nhật và dự báo về thu hoạch.

Bởi kinh doanh lúa gạo không chỉ CẦN thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả mà còn về dự báo sản xuất, bao gồm: Cơ cấu giống lúa, tiến độ thu hoạch, năng suất, sản lượng lúa nói chung và sản lượng lúa của từng giống nói riêng. Cân đối cung, cầu lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phân tích vụ Đông Xuân, triển vọng vụ Hè Thu và Thu Đông.

“Cân bằng cung cầu, phân tích thị trường toàn diện nhất về các biến số quan trọng nhất, như: Ước tính cung, cầu và tồn kho tại các thời điểm khác nhau, từ đó giúp doanh nghiệp bắt kịp xu thế để đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý. Nếu thiếu các thông tin chi tiết này sẽ làm tăng độ rủi ro đối với kinh doanh xuất khẩu gạo”, ông Diệu nhấn mạnh.

Theo ông Diệu, trước đây, Việt Nam xuất khẩu gạo dưới 7 triệu tấn/năm, nhưng năm 2022 trên 7 triệu, và năm nay xuất khẩu gạo có thể bằng hoặc hơn năm ngoái. Nếu đạt được con số trên thì đây là một nỗ lực rất lớn, vì số liệu sản xuất vẫn có xu hướng ổn định như các năm trước, trong khi cuối năm 2022 tồn kho gần như cạn kiệt.

Đầu năm 2023, các doanh nghiệp lại bị “dí” giao hàng rất nhiều, dẫn đến giá gạo bật lên đưa đến rủi ro cao. Năm nay, nếu tiếp tục duy trì xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, sẽ tiếp tục câu chuyện cuối năm tồn kho mỏng và sẽ là mối bận tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Bởi hiện nay, giá xuất khẩu gạo IR50404 và tất cả các chủng loại gạo khác đều tăng, nếu so với mặt bằng vụ Đông Xuân năm ngoái thì năm nay giá gạo tăng lên rất nhiều, vì Việt Nam đã giao hàng với khối lượng rất cao, có tháng trên một triệu tấn. Đó là một con số kỷ lục.

“Trước đây có thời điểm giao hàng rất mạnh cho Bulog (Indonesia) đến 800.000 tấn/tháng, đó là con số rất lớn. Điều đó phản ánh năng lực giao hàng của các doanh nghiệp Việt Nam là rất mạnh mẽ”, ông Diệu nói.

Từ năm 2016 đến nay, diện tích sản xuất giống lúa IR50404 có sự thay đổi rất lớn, trước đây lên đến 40%/tổng diện tích sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long, bây giờ giảm xuống còn trên 10% (bao gồm cả giống OM380). Trong khi đó, các giống lúa đang tăng mạnh lượng xuất khẩu như DT8, OM5451 sang thị trường Trung Quốc, nhưng khi lượng quota gạo Trung Quốc dành cho Việt Nam giảm đi thì gạo OM5451 không còn xuất khẩu mạnh như trước đây nữa.

Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải nhờ vào lượng lúa IR50404 từ Campuchia nhập về để lấp vào khoảng thiếu hụt trên. Ước tính nhập khẩu lúa từ Campuchia về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,15 triệu tấn. Trong đó, nguồn lúa IR50404 về nhiều hơn các giống lúa khác nhờ nhu cầu cao, sức mua mạnh từ các nhà máy và kho.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE