Xuất khẩu gạo tăng mạnh lượng lẫn giá trị nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo, tại sao?

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,234 triệu tấn, đạt 65,07% so với mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn của Bộ Công Thương. Tuy xuất khẩu gạo đạt được nhiều thành công nhất định, nhưng lợi nhuận từ cây lúa của nông dân đang là mối quan tâm lớn của những người trong cuộc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê mới công bố của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu gạo đạt 617.998 tấn, trị giá 340,769 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về kim ngạch so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4,237 triệu tấn gạo, với kim ngạch 2,256 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch.

Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam, 6 tháng đầu năm đạt 1.698.593 tấn, kim ngạch đạt 857.677.069 USD, so với cùng kỳ tăng 4,55% về lượng và tăng gần 135 về trị giá nhờ giá bán tăng.

Trung Quốc là quốc gia Việt Nam xuất khẩu gạo lớn thứ 2, 6 tháng qua đạt 677.387 tấn, kim ngạch đạt 390.618.268 USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 54,44% về lượng và tăng 71,17% về giá trị.

Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6 sụt giảm không nằm ngoài dự báo của ngành gạo. Cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu năm 2023, tổng khối lượng gạo hàng hóa tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 6,6 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã là 4,23 triệu tấn, như vậy, 6 tháng cuối năm cả nước chỉ có thể xuất khẩu 2,37 triệu tấn trong khi nhu cầu gạo trên thị trường rất lớn, giá bán tốt đang là mối bận tâm của những người trong cuộc.

Giá thành sản xuất lúa bình quân vụ Hè Thu 2023 khoảng 4.708 đồng/kg

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kết quả điều tra giá thành vụ lúa Hè Thu do Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện và báo cáo về Bộ Tài chính, sau khi thống nhất với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa Hè Thu 2023, và giá mua lúa định hướng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Hè Thu 2023 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ 3.778 – 6.088 đồng/kg, tính ra giá thành sản xuất lúa bình quân vụ Hè Thu 2023 là khoảng 4.708 đồng/kg. Trong đó, giá thành sản xuất định hướng thấp nhất trong 13 tỉnh thuộc về Đồng Tháp là 3.944 đồng/kg, và thực tế mức giá sản xuất của địa phương này cũng thấp nhất vùng là 3.774 đồng/kg. Trà Vinh là tỉnh có giá thành sản xuất thực tế cao nhất 5.826 đồng/kg, và giá định hướng sản xuất là 6.088 đồng/kg.

“Căn cứ vào giá thành sản xuất lúa kế hoạch do Bộ Tài chính công bố để các cơ quan thẩm quyền biết và điều hành thu mua lúa theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm mức lợi nhuận tối thiểu cho người trồng lúa vụ Hè Thu 2023”, ông Chi nói.

Lợi nhuận thu được cao, tại sao nông dân vẫn nghèo?

GS.TS Bùi Chí Bửu - người có 30 năm gắn bó với cây lúa và kinh qua các chức vụ Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Viện trưởng Viện Khoa học Nông Nghiệp miền Nam cho biết, lúa gạo là một sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi đầu tư nhiều và có giá thành thấp nên lợi nhuận cao nhưng người nông dân không đủ sống, do 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, không có chính phủ nào trên thế giới cho gạo, thịt heo … nói chung là nhu yếu phẩm tăng giá, nếu tăng giá thì sẽ rơi vào tình trạng lạm phát nên buộc phải kiềm giá không được tăng cao. Mặt khác, thị trường gạo rất mỏng, lượng lưu thông trên toàn cầu khoảng 40 triệu tấn gạo/năm, trong khi lượng lúa mì trên thế giới lên đến 700 triệu tấn, bắp và đậu nành 100 triệu tấn/năm.

Thứ hai, ở nông thôn mỗi gia đình có từ 5- 6 người, sản xuất từ 0,5 – 1ha đất nông nghiệp, rất khó để trang trải cuộc sống, không đủ tiền cho con đi học nên phần lớn các gia đình trẻ rời quê đến các khu công nghiệp tìm việc làm. Thực tế này đã diễn ra hàng chục năm qua đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề.

Thứ ba, nông dân có thói quen sử dụng tiền mặt, tới vụ thu hoạch doanh nghiệp xuống thu mua lúa chuyển khoản bà con không chịu nhận, trong khi sản lượng lúa mỗi vụ thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, vụ Đông Xuân khoảng 11 triệu tấn, vụ Hè Thu và Thu Đông từ 7 đến 8 triệu tấn/vụ, phải trả bằng tiền mặt thì khối lượng tiền rất lớn, doanh nghiệp khó đáp ứng.

Thứ tư, tình trạng logistics ngành lúa gạo rất yếu kém, và tổng lượng kho dự trữ cả khu vực này chưa tới 2 triệu tấn, trong khi phần lớn doanh nghiệp lúa gạo là doanh nghiệp vừa và nhỏ không khả năng đầu tư logistic ngành nông nghiệp.

“Rất cần có sự “hà hơi tiếp sức” từ chính phủ, cho các hợp tác xã vay vốn dài hạn lãi suất ưu đãi xây dựng các silo chứa lúa, các băng chuyền... như vậy mới giữ được diện tích lúa và giữ chân nông dân ở lại đồng ruộng, bởi một khi cuộc sống quá khó khăn họ sẽ bỏ ruộng để tìm phương kế khác sinh sống”, ông Bửu nhấn mạnh.

Ông Bửu cho rằng, để nông dân có thu nhập ổn định, gắn bó với cây lúa cần phải quyết tâm đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất thông qua hợp tác xã, và tăng cường liên kết vùng. Ở mối liên kết này phải đặt lợi nhuận lên trên.

Trước đây mô hình cánh đồng lớn thất bại do nông nghiệp bao cấp, và không có hành lang pháp lý để bảo vệ khi bị bẻ kèo nên doanh nghiệp ngại ký hợp đồng với các cá thể, do vậy phải thông qua hợp tác xã. “Hiện nay đã có luật hợp tác xã, doanh nghiệp cũng an tâm khi ký kết và chỉ có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mới là con đường lâu dài và phát triển bền vững cho cây lúa”, GS.TS Bùi Chí Bửu khẳng định.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE