Xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD năm 2023

Sau gạo, rau quả là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong quý 1/2023, với mức tăng trưởng khoảng 8%. Việc Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới đã tạo điều kiện cho hàng nông sản như sầu riêng, mít, chanh leo … thuận lợi đi vào thị trường này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, lúa gạo và rau quả là hai nhóm ngành hàng có kết quả sản xuất, và kim ngạch xuất khẩu tốt nhất trong quý 1/2023.

Quý 2/2023, xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng khoảng 10%

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 3 đạt trên 300 triệu USD, luỹ kế 3 tháng đầu năm đạt khoảng 950 USD, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng từ 7% - 8%.

Sở dĩ quý 1/2023 chỉ tăng từ 7% – 8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Âm lịch tăng cao nên tháng một và tháng hai tăng trưởng nóng, sau Tết nhu cầu giảm nên xuất khẩu chậm lại. Mặt khác, khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng thì các thị trường khác không tăng hoặc tăng trưởng chậm lại.

Vì khi Trung Quốc tăng mua giá nguyên liệu lập tức tăng lên nhiều lần, như sầu riêng từ 70.000 – 80.000 đồng/kg tăng lên 150.000 đến 200.000 đồng/kg, thanh long trên dưới 20.000 đồng/kg, tăng lên 40.000 đồng/kg. Giá tốt nên các thương nhân Việt tập trung bán hàng vào thị trường Trung Quốc.

"Nhu cầu ở thị trường Trung Quốc tăng quá mạnh, các thương nhân bán hàng Trung Quốc sẵn sàng đẩy giá mua nguyên liệu tăng cao để hút hàng, nên các doanh nghiệp xuất hàng đi các thị trường phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc không thể tranh mua là nguyên nhân xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường phát triển chỉ tăng trưởng nhẹ trong quý 1", ông Nguyên nói.

Vẫn theo ông Đặng Phúc Nguyên, cho đến hiện tại, nhu cầu nhập khẩu trái cây của thị trường Trung Quốc vẫn rất cao, do nước này đang trong mùa lạnh các diện tích cây ăn trái cho sản lượng thấp không đủ cung ứng nội địa, và bằng chứng là từ nhiều ngày nay thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc bị quá tải, các xe chở trái cây bị ùn ứ phải mất 01 đến 02 ngày sau mới giao được hàng.

Song, tình hình đã khá hơn nhiều, nhờ các cửa khẩu tăng giờ làm việc tới 10 giờ đêm. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc vẫn còn tốt, nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 2 có thể tăng 10% thậm chí cao hơn. Như vậy, cả 2 quý đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt tương đương 2 tỷ USD.

“Đúng ra trong quý 2 mức tăng trưởng phải đạt khoảng 20%, nhưng dự kiến chỉ đạt 10% vì các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc … bị ảnh hưởng của lạm phát dẫn đến sức mua yếu. Mặt khác, doanh nghiệp xuất hàng đi các thị trường phát triển khó cạnh tranh mua nguyên liệu với các thương nhân làm hàng đi Trung Quốc, nên tăng trưởng của nhóm thị trường này bị chậm lại”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Dự kiến Trung Quốc chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau cả nước

Theo Vinafruit, khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, vào ngày 17/9/2022 có hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Và chỉ trong quý 4/2022, xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc đã đạt 400 triệu USD, song, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong quý 1 không nhiều do chưa vào vụ. Bước sang quý 2 và quý 3, khi vào chính vụ sản lượng hàng hóa dồi dào, và có thêm nhiều diện tích được cấp mã vùng trồng là cơ sở thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng trong hai quý này tăng cao hơn quý 1. “Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường 1,4 tỷ dân tăng dự báo trưởng mạnh, ước đạt 1 tỷ USD”, đại diện Vinafruit tin tưởng nói.

Dự báo kim ngạch cả năm 2023 của ngành rau quả, Tổng thư ký Vinafruit kỳ vọng sẽ đạt 4 tỷ USD như mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra hồi đầu năm.

“Ngoài mặt hàng chủ lực sầu riêng thì cộng với mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD trong năm nay, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Còn lại 1,5 tỷ USD được phân bổ ở các thị trường khác như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á nhất là Thái Lan và một số các nước trung đông”, Tổng thư ký Vinafruit phân tích.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững

Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.

Chat với BizLIVE